Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại Hà Tĩnh và Thanh Hóa: Chính quyền đã vào cuộc hơn

07/03/2016 | 15:33

Tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội, trong hai ngày 26-27.2.2016, Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã đi thực tế, kiểm tra tại một số khu di tích, lễ hội ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Ghi nhận sự quan tâm, vào cuộc của các cấp cơ sở trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội nhưng ở nhiều khu di tích, đây đó vẫn còn xuất hiện những hiện vật lạ.

Hà Tĩnh chưa bị thương mại hóa lễ hội…

Báo cáo Đoàn công tác của Bộ VHTTDL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, ông Bùi Đức Hạnh – Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho biết: “Nhìn chung các lễ hội ở Hà Tĩnh thường được tổ chức hết sức lành mạnh, không có hiện tượng ẩu đả cũng như không xảy ra các tiêu cực về an ninh trật tự. Mặc dù vẫn còn khó khăn trong công tác quản lý tiền giọt dầu nhưng các lễ hội trên địa bàn tỉnh chưa bị thương mại hóa…”. Vốn là miền đất nổi danh là địa linh nhân kiệt, Hà Tĩnh hiện có nhiều khu di tích, các lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương hành hương về đây như: Đền Củi (ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Khu di tích danh thắng Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc), Đền Bà Hải (thị xã Kỳ Anh)… Đa số các khu di tích, lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương này đều đã thành lập BQL di tích nên công tác chỉ đạo, tổ chức và quản lý các lễ hội năm nay tương đối bài bản, được chuẩn bị chu đáo…

Tại khu di tích Đền Củi, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, các đồ thờ tự trong khuôn viên di tích đã được chỉnh trang, bài trí khá tốt, không có nhiều hiện vật lạ. Tuy nhiên, hàng quán bố trí trong khuôn viên di tích khá dày đặc, lấn chiếm cả vỉa hè, lòng đường vào khu di tích ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường của khu di tích nói chung và trong mùa lễ hội năm nay nói riêng. Trong khi đó, tại Khu di tích danh thắng Chùa Hương Tích, năm nay BQL đã đầu tư lắp mới hệ thống camera giám sát nên tình hình an ninh trật tự được đảm bảo hơn. Để lên hệ thống cáp treo, bên cạnh giao thông đường thủy, đi bằng thuyền chèo và đường đi bộ băng rừng vượt suối truyền thống xưa nay, hiện đường lên Khu di tích danh thắng Chùa Hương Tích có thêm đường ô tô men chân núi đã hình thành đường, sắp được rải nhựa  thuận lợi cho du khách ở xa đến hành hương, vãn cảnh…


 
Vẫn còn xuất hiện những hiện vật lạ ở đền Sòng Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL nhìn nhận: “Hiện tượng xóc thẻ, dùng loa khấn thuê tại một số đền ở Hà Tĩnh cần phải sớm chấn chỉnh”. Tại Khu di tích Đền Bà Hải, thị xã Kỳ Anh, hiện tượng này cũng diễn ra khá phổ biến, thậm chí xuất hiện ở cả bốn ban. Mặc dù hiện tượng đổi tiền lẻ đã ít đi trông thấy, có chuyển biến rõ rệt nhưng đây đó vẫn còn xuất hiện ở một số khu di tích, lễ hội ở Hà Tĩnh. Đáng ghi nhận là với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cơ sở, hiện tượng hành khất chèo kéo ở các khu di tích ở Hà Tĩnh hầu như đã được giải quyết triệt để.

Thu công đức ở Thanh Hóa sử dụng có hiệu quả

Về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngay từ giáp Tết Bính Thân, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-SVHTTDL ngày 4.2 thành lập đoàn kiểm tra, giám sát tại 11 lễ hội tín ngưỡng ở 11 khu di tích có đông đảo du khách hành hương. Theo đánh giá của Sở VHTTDL Thanh Hóa, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh năm nay có nhiều chuyển biến tích cực, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cấp cơ sở, đã kịp thời triển khai các văn bản hướng dẫn của Nhà nước, của tỉnh tới các địa phương, nơi có các lễ hội. Hiện tượng đổi tiền lẻ đã có giảm bớt dù chưa thật triệt để. Công tác kiểm tra các hiện vật, đồ thờ, đồ cung tiến ở các khu di tích đã được kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nhưng vẫn còn có những hiện vật lạ.
 
Diễn xướng nghi lễ thờ Mẫu ở đền Sòng Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa

Đơn cử như ở Khu di tích đền Sòng Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa khi đoàn công tác đến vẫn xuất hiện những đồ cung tiến, những hiện vật lạ xuất hiện trong vùng 1 bảo vệ di tích. Ở các ban thờ, các nhà tế lễ dù đã có biển nhắc nhở, thông báo nhưng vẫn có những người dân đặt tiền lẻ không đúng nơi quy định. Đáng ghi nhận là công tác quản lý tiền giọt dầu, tiền công đức ở thị xã Bỉm Sơn đã được quản lý khá chặt chẽ. Theo Báo cáo của UBND thị xã Bỉm Sơn, năm 2015 tổng thu tại các di tích được: 14.620.000.000 đồng, trong đó tổng thu tại các di tích cấp quốc gia đạt 14.215.000.000 đồng, chủ yếu nguồn thu tập trung tại hai di tích đền Sòng Sơn và đền Chín Giếng.

Tại Khu di tích đền Sòng Sơn, thị xã Bỉm Sơn, ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL khuyến cáo: “Cần mời các chuyên gia để sắp xếp các tuyến, bãi đỗ xe ô tô cho hợp lý, khoa học”. Đặc biệt, hiện tượng các xe taxi dừng đỗ chờ khách ở ngay lối vào khu di tích, trước bãi đỗ xe thực sự làm ảnh hưởng đến trật tự của khu di tích đền Sòng Sơn, nhất thiết phải có sự điều chỉnh. Hiện tượng một ban cung có một hòm công đức và một hộp để tiền giọt dầu cũng cần phải gọn gàng lại ở đền Sòng Sơn… Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Mặc dù đây đó vẫn còn những tồn tại, nhưng nhìn chung công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm nay đã có những chuyển biến tích cực. Đáng ghi nhận là ở địa phương, các cấp chính quyền cơ sở đã quan tâm, chỉ đạo, giám sát công tác tổ chức, quản lý lễ hội sát sao hơn so với trước đây”.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×