Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Nghệ An: Sở VHTTDL chỉ đạo, kiểm tra tổng thể các lễ hội ngay từ đầu năm

02/03/2016 | 14:33

Vừa qua, Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã đi thực tế kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Nghệ An. Nhìn chung công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở Nghệ An đang tốt dần lên, các địa phương đã quan tâm chu đáo công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhưng cho đến nay vẫn chưa có mấy lễ hội nào ở Nghệ An có ảnh hưởng rộng lớn, thu hút thật đông đảo du khách thập phương.

Tốt dần lên nhưng chưa có mấy lễ hội ảnh hưởng vùng

Thực tế kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều khu di tích, nhiều địa phương cơ sở ở Nghệ An, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Nhìn chung công tác chỉ đạo, ban hành các văn bản hành chính liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Nghệ An năm 2016 rất tốt. Tôi thực sự ấn tượng với sự phân công cụ thể từng lãnh đạo của Sở VHTTDL Nghệ An tham dự, chỉ đạo, kiểm tra tổng thể 17 lễ hội trên địa bàn tỉnh”.

Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản số 02/QLDT ngày 8.01 đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các lễ hội như: Vệ sinh trong, ngoài di tích sạch sẽ, trang trí di tích trang trọng đúng thuần phong mỹ tục; đề nghị các tổ quản lý và nghi lễ của các khu di tích có lịch phân công trực tại di tích, có sổ giao ca và tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ đối với các di tích, danh thắng…

Cùng với sự vào cuộc của các huyện, thị trong tỉnh, chuyển biến rõ rệt trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở Nghệ An năm 2016 là gần như toàn bộ các lễ hội đều có thành lập Ban tổ chức lễ hội, một số lễ hội như Lễ hội đền Cờn ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An có đầy đủ các văn bản như kế hoạch tổ chức lễ hội, kịch bản lễ hội, quyết định thành lập các tiểu ban…

Tại các khu di tích, công tác bài trí các đồ thờ tự trên các ban thờ, tòa tam bảo, hậu cung… đã có sự sắp xếp, bài trí có chọn lọc. Ghi nhận của chúng tôi là đa số các khu di tích ở Nghệ An gần như không còn các linh vật ngoại lai. Thực tế kiểm tra công tác quản lý và tổ chức Lễ hội đền Cờn 2016, bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL khuyến cáo: “Ban tổ chức Lễ hội đền Cờn đã có kịch bản chi tiết, thậm chí dự phòng nhiều tình huống đặt ra… nhưng năm nay lễ hội này trùng vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật nên có thể sẽ thu hút đông đảo du khách hơn mọi năm nên cần đảm bảo an ninh trật tự”.
 
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An

Còn nhiều việc phải làm để có những lễ hội thực sự thu hút khách thập phương

Được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt nhưng thực tế là cho đến nay Nghệ An chưa có nhiều lễ hội thật sự có ảnh hưởng, lan tỏa cấp vùng cũng như thu hút đông đảo du khách thập phương. Hiện chỉ có Lễ hội đền Cờn và Khu di tích đền Ông Hoàng Mười là hai điểm đến được người dân cả nước ít nhiều biết đến. Ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhìn nhận: “Công tác bảo tồn khu di tích đền Cờn và Lễ hội đền Cờn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng cho đến nay khu di tích này vẫn chưa hoàn thiện việc khoanh vùng di tích, quy hoạch chi tiết khu di tích là một điều thiếu sót, chậm trễ”. Đền Cờn nổi tiếng thiêng nhưng từ đường vào khu di tích, các ngôi nhà dân mọc sát quanh khu di tích… ít nhiều không có thiện cảm cho các du khách thập phương mỗi khi về đây.

Trong khi đó, tại khu di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, ngay từ đường vào khu di tích hàng quán đã lấn chiếm cả lòng đường, vỉa hè và ngay giữa sân đền là nhà mái tôn tạm bợ, bãi đỗ xe rất lộn xộn… Đáng ghi nhận là cả khu di tích đền Cờn và khu di tích Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An trong những năm gần đây đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo khá bài bản. Dù vẫn còn một số hiện vật lạ nhưng nhìn chung công tác bài trí, sắp xếp các tòa, cung… ở các khu di tích này đã có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý và các chuyên gia khoa học. Ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Quản lý và phát huy các khu di tích, lễ hội… trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của các cấp chính quyền Nghệ An. Dựa vào khả năng của mình, Sở VHTTDL Nghệ An phải biết lựa chọn mục tiêu cụ thể từng mùa lễ hội, từng năm để quyết tâm thực hiện cho triệt để, quyết liệt”.

Bộ VHTTDL: Tìm giải pháp khắc phục bất cập tại các lễ hội “điểm nóng”

Ngày 25.02.2016, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đồng loạt gửi các văn bản số 90/VHCS-NSVH, 91/VHCS-NSVH, 92/VHCS-NSVH đến Sở VHTTDL các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ yêu cầu báo cáo về công tác quản lý và tổ chức tại một số lễ hội “điểm nóng” trên địa bàn.

Những văn bản nói trên nêu rõ, trong thời gian vừa qua, các cơ quan thông tấn báo chí đã phản ánh nhiều bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đó là các hiện tượng ép giá, ăn xin, chen lấn xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực diễn ra tại lễ hội Đền Trần (TP Nam Định); hiện tượng chen lấn xô đẩy, tranh cướp mang tính bạo lực diễn ra tại các lễ hội Đả cầu cướp phết xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và Hội cướp phết xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Những hiện tượng này gây mất an toàn cho nhân dân và du khách, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa trong lễ hội, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Nhằm thực thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của Bộ VHTTDL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTTDL các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí, kịp thời tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục những hạn chế và có văn bản báo cáo về Cục Văn hóa cơ sở trước ngày 02.3 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.


Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×