Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Không gian văn hóa cồng chiêng vang lên từ trường học

21/11/2020 | 07:25

Ở Kon Tum, không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy ở nhiều góc độ khác nhau, riêng với ngành GD&ĐT, việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong nhà trường là giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả.

Không gian văn hóa cồng chiêng vang lên từ trường học - Ảnh 1.

Từ năm 2010 đến nay, Phòng GD&ĐT TP Kon Tum đã 5 lần tổ chức “Liên hoan cồng chiêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên DTTS khối TH, THCS”

Phòng GD&ĐT TP Kon Tum là một trong những đơn vị đã, đang làm tốt việc bảo tồn, truyền dạy cồng chiêng trong trường học. Hiện trên địa bàn thành phố có 19 đội múa xoang, cồng chiêng với hơn 1.000 học sinh tại 5 trường. Bên cạnh đó có 13 trường duy trì việc học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) mặc trang phục truyền thống đến trường vào mỗi sáng thứ 2 hằng tuần.

Bà Ksor Xuân, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, từ 2010 đến nay Phòng đã 5 lần tổ chức "Liên hoan cồng chiêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên DTTS khối tiểu học, trung học cơ sở". Trong liên hoan gần đây nhất do Phòng tổ chức vào năm 2019 đã thu hút được 19 đội cồng chiêng, múa xoang với trên 1.000 nghệ nhân nhí từ các trường học tại các xã, phường tham gia. "Đối với Phòng GD&ĐT những năm vừa qua đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó tổ chức liên hoan cồng chiêng, múa xoang, thi trang phục DTTS cấp Tiểu học và Trung học cơ sở thành một hội thi truyền thống, cứ 2 năm một lần, tổ chức liên tục trong 10 năm qua", bà Xuân cho hay.

Các đội cồng chiêng tại nhiều trường không chỉ tham gia các hoạt động do ngành giáo dục phát động mà còn là những nghệ nhân cồng chiêng biểu diễn trong các lễ hội của làng và những đợt giao lưu văn hóa giữa các địa phương. Sắp tới Phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường duy trì việc dạy tiếng DTTS tại các trường có học sinh là người DTTS; vận động các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ 2 đầu tuần cũng như các ngày lễ lớn. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các trường duy trì việc tập múa xoang, tập đánh cồng chiêng, dạy cho học sinh đan lát bằng mây tre và những vật dụng sử dụng trong gia đình, đặc biệt tiếp tục duy trì việc liên hoan cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục DTTS cho các em học sinh.

Trường TH-THCS Vinh Quang (TP Kon Tum) là một trong những trường đi đầu trong việc đưa cồng, chiêng vào giảng dạy trong trường học. Đây cũng là ngôi trường sở hữu nhiều giải thưởng trong suốt 5 lần tham gia "Liên hoan cồng chiêng ở lứa tuổi thanh thiếu niên DTTS khối TH, THCS" do Phòng GD&ĐT TP Kon Tum tổ chức. Thầy Trần Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, từ năm học 2012 - 2013, trường đã đưa cồng chiêng vào truyền dạy trong trường học. Hiện nay, trường duy trì được 8 đội cồng chiêng, múa xoang ở 4 khối lớp, thu hút được gần 500 em học sinh của trường tham gia. "Với việc duy trì các hoạt động trong nhà trường, đặc biệt là hoạt động cồng chiêng và múa xoang, đối với các em học sinh DTTS gần như 100% các em tham gia và giúp các em yêu thích đến trường. Chính vì vậy, việc học tập cũng như chất lượng học sinh có tiến bộ rõ rệt, nhờ đó thực hiện tốt đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số".

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho biết, hằng năm Sở đã đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc vào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học để các đơn vị triển khai thực hiện. Trong đó chỉ đạo các đơn vị triển khai việc giáo dục bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên thông qua lồng ghép trong các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp, đặc biệt là luyện tập tham gia "Liên hoan cồng chiêng" học sinh DTTS các cấp. "Các hoạt động nhất là việc luyện tập và tham gia Hội thi cồng chiêng, múa xoang các cấp, các giá trị của Không gian văn hóa Cồng chiêng được truyền dạy một cách tự giác, hiệu quả cao cho các thế hệ học sinh DTTS trên địa bàn. Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông vùng DTTS, đặc biệt là các trường PTDT nội trú, bán trú đều có đội cồng chiêng - xoang thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các hoạt động của trường, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành.

Học sinh ở các trường này trở thành lực lượng nòng cốt của các đội cồng chiêng-xoang tham gia biểu diễn tại các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa của các địa phương", bà Trung nhấn mạnh.

Theo baovanhoa.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×