Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khôi phục du lịch miền Trung: Cần tư duy mới, cách làm mới

14/10/2016 | 13:59

Chiều 13/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch và đại diện lãnh đạo bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, bao gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để tìm giải pháp giúp khôi phục hoạt động du lịch tại các địa phương này.


Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo của bốn tỉnh miền Trung đã trình bày về những thiệt hại của ngành du lịch do sự cố môi trường biển, đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị với Bộ VHTTDL và Chính phủ để giúp ngành du lịch hồi phục.

Theo báo cáo của bốn địa phương, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch của bốn tỉnh Bắc Trung Bộ. Lượng khách giảm sút mạnh, đặc biệt sự cố diễn ra đúng vào đợt cao điểm du lịch hè, khiến thiệt hại về du lịch kéo dài và chưa có dấu hiệu hồi phục.



Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn

Do vậy, các tỉnh Bắc Trung bộ bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL có các biện pháp hỗ trợ, đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch bị thiệt hại trên địa bàn 4 tỉnh.

Cụ thể, 4 tỉnh Bắc Trung Bộ đề xuất Bộ VHTTDL kiến nghị Chính phủ cho phép chậm nộp các khoản nợ và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, hỗ trợ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm tỷ suất thuế giá trị gia tăng năm 2016; đề nghị miễn 100% tiền thuế đất cho các doanh nghiệp vùng biển bị ảnh hưởng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại bởi sự cố môi  trường biển được vay vốn và ưu đãi lãi suất trong năm 2016-2017…

Bên cạnh đó, đề nghị Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL ưu tiên, hỗ trợ bốn tỉnh miền Trung trong việc xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đồng thời xem xét, ưu tiên tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô của ngành ở khu vực các tỉnh có thiệt hại trong những năm tiếp theo…



Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn


Các địa phương cũng kiến nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất Chính phủ đưa các DN, hộ kinh doanh du lịch ven biển vào đối tượng bị thiệt hại trực tiếp; Còn các DN, đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn 4 tỉnh vào danh sách đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Sau khi nghe báo cáo và kiến nghị của đại diện bốn tỉnh Bắc Trung Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, do vậy ngay khi xảy ra sự cố môi trường biển bị ô nhiễm, du lịch đã bị tác động gần như đồng thời với ngư nghiệp và bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta không nên tiếp tục bàn đến câu chuyện thiệt hại bao nhiêu, mà tập trung tìm giải pháp khôi phục hoạt động du lịch 4 tỉnh miền Trung trong thời gian tới. “Trước mắt, cần tập trung thực hiện những giải pháp thiết thực để làm trước, chưa thiết thực làm sau. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần ưu tiên tìm giải pháp để khôi phục hoạt động du lịch miền Trung ” – Bộ trưởng chỉ đạo.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, theo thông báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đã có thể đón khách du lịch. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ triển khai hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Tổng cục Du lịch dự kiến sẽ hoàn thiện đề án ngay trong năm nay và hướng dẫn các tỉnh thực hiện.



Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nam Nguyễn


Ngoài ra, Tổng cục cũng sẽ hỗ trợ bốn địa phương trong công tác xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước. Cụ thể, sẽ tổ chức các đoàn Famtour, Presstour, xây dựng sản phẩm mới và tuyên truyền kích cầu cho du lịch miền Trung, dự kiến tiến hành trong tháng 10-11/2016. Đồng thời, dự kiến tháng 11/2016, sẽ tổ chức chương trình roadshow về du lịch miền Trung tại 2 thành phố của Thái Lan để thu hút khách nước này đến miền Trung. Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân lực du lịch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo, trước mắt cần ưu tiên công tác xúc tiến quảng bá cho du lịch miền Trung. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhắc nhở, việc triển khai cần có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đem lại hiệu qủa. Cần tuyên truyền, quảng bá làm sao để giúp miền Trung lấy lại lòng tin của khách du lịch nội địa, vì đây vẫn là thị trường khách quan trọng nhất của miền Trung.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, chính trong bối cảnh có nhiều thách thức, khó khăn này lại có thể giúp nảy sinh cơ hội. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Du lịch cùng với bốn tỉnh phải có tư duy mới, cách làm mới trong phát triển du lịch để vực dậy du lịch miền Trung.

Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, trong khi các sản phẩm du lịch biển bị ảnh hưởng, mỗi tỉnh miền Trung cần tìm cách tận dụng khai thác thế mạnh khác của mình để phát triển du lịch, ví dụ: Quảng Bình khai  thác thế mạnh du lịch hang động; Thừa Thiên Huế phát huy du lịch di sản; Quảng Trị khai thác du lịch về chiến trường xưa; Hà Tĩnh phát triển du lịch văn hóa gắn với danh nhân…”Trong bối cảnh này, chúng ta càng phải phát huy cách nghĩ mới, tư duy mới, cách làm mới để tạo ra sự bứt phá trong phát triển du lịch” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cam kết Bộ VHTTDL sẽ tạo mọi điều kiện trong thẩm quyền và khả năng của mình để hỗ trợ vực dậy ngành du lịch miền Trung. Bộ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Du lịch cần tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tìm giải pháp hỗ trợ du lịch miền Trung, đồng thời tổng hợp ý kiến của các tỉnh và có văn bản gửi Chính phủ báo cáo về tình hình khó khăn đồng thời đề xuất những phương án hỗ trợ khả thi nhất cho du lịch miền Trung./.

Lâm Minh

Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×