Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” 2015

16/11/2015 | 17:53

Tối 15.11, Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hoá Việt Nam” 2015 chính thức khai mạc tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòng Thị Phóng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Tuấn Anh - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các Đại sứ, đại biện, đại diện các tổ chức quốc tế và đông đảo người dân địa phương.

 
Chương trình nghệ thuật chủ đề “Sắt son niềm tin”

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nghệ nhân, nghệ sỹ, các già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, từ các vùng, miền của Tổ quốc đã về hội tụ, vun đắp cho tình đoàn kết và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.

Từ thuở các Vua Hùng dựng nước, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào ta đã luôn kề vai sát cánh, đoàn kết chặt chẽ bên nhau vượt qua thử thách, gian nan, viết nên những trang sử vàng chói lọi. 85 năm qua, từ khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo, có sự đóng góp của Mặt trận Dân tộc thống nhất qua các thời kỳ, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường, phát huy, trở thành một giá trị văn hoá của dân tộc; cùng với các giá trị văn hóa dân tộc khác đã trở thành sức mạnh to lớn, ý chí tự lực, tự cường tạo nên vẻ đẹp và bản lĩnh con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là di sản văn hóa vô cùng quý báu được các thế hệ tiếp nối nhau trao truyền, gìn giữ và phát huy.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng và hy vọng đồng bào cả nước, đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài sẽ tiếp tục khơi dậy, phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết; đồng lòng, chung sức, cống hiến sức lực, trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật chủ đề “Sắt son niềm tin”, bằng các di sản văn hóa phi vật thể, được chắt lọc qua lăng kính của các tác phẩm nghệ thuật, chương trình thể hiện sự hội tụ, sức mạnh khối đại đoàn kết, kết tinh trong giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, hướng về sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Chương trình tập hợp trong một thể thống nhất các tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc mới sáng tác, dùng chất liệu âm nhạc và múa dân gian các dân tộc Việt Nam do chính nghệ sỹ người dân tộc thiểu số trình diễn có chất lượng cao, đan xen với các tác phẩm nghệ thuật về Đảng và Bác Hồ, về tình yêu quê hương đất nước đã đi vào tiềm thức của nhân dân Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc trong nhiều biến cố lịch sử.
 
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắt son niềm tin” gồm 3 chương với các tiết mục biểu diễn đặc sắc, hấp dẫn đã được các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc gửi tới khán giả, như một hoạt động có ý nghĩa, biểu hiện sinh động của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.



Chương 1: Ánh dương soi đường, tập hợp các tác phẩm bằng nhiều chất liệu âm nhạc dân gian có nội dung thể hiện sự lựa chọn của nhân dân các dân tộc Việt Nam trong thời khắc lịch sử từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo các dân tộc Việt Nam đánh đổ đế quốc, thực dân, phong kiến dành độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân; thể hiện lòng yêu kính Đảng và Bác Hồ; khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn dân tộc, nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
 
Chương 2: Trong mạnh nguồn văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam từ ngàn đời, khi sôi sục, lúc âm thầm lặng lẽ, nhưng chuyển tải một tinh thần đoàn kết và ý chí tự cường không bao giờ ngừng chảy. Ngày nay, dưới ánh sáng của Đảng rọi soi, tinh thần đó càng thể hiện mạnh mẽ, đưa đất nước chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược giành độc lập cho non sông, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân toàn dân tộc.



Chương 3: Sắt son niềm tin, một lòng đi theo Đảng, trọn đời đi theo Đảng. Dù ở nơi đâu, miền núi cao hay vùng biên giới, hải đảo hay đất liền, dù là dân tộc nào, đa số hay thiểu số. Niềm tin yêu đó vẫn luôn nằm trong trái tim và khối óc mỗi người dân đất Việt.

Sử dụng lực lượng diễn viên múa trẻ, đông đảo làm sợi dây xâu chuỗi, kết hợp với dẫn dắt của lời bình tạo ra một chương trình có chất lượng tốt nhất, mới mẻ nhưng vẫn gắn chặt với truyền thống nhằm thể hiện sự hòa nhịp quá khứ, hiện tại và sự tiếp nối không ngừng nghỉ theo chủ đề: Sắt son niềm tin. Bên cạnh đó, đề cao tính hấp dẫn trong nghệ thuật biểu diễn bằng cách đưa hiệu ứng hình ảnh 3D trong thiết kế sân khấu, ánh sáng, chương trình luôn thay đổi nhịp độ, màu sắc qua từng tiết mục, dẫn dắt hướng người xem tới tình yêu quê hương đất nước trong cảm xúc dâng trào về niềm tin với Đảng và Bác Hồ kính yêu.


 
Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóaViệt Nam” năm 2015 diễn ra từ 15.11 đến 23.11 với 6 sự kiện chính. Trong đó, điểm nhấn chương trình khai mạc với chủ đề “Sắt son niềm tin”. Triển lãm chủ đề “Đại đoàn kết - Đại thành công”; Triển lãm 120 pano, áp phích tấm lớn chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Triển lãm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”. Hội nghị xúc tiến, đầu tư du lịch; Giới thiệu sản phẩm truyền thống và hàng Việt Nam. Đặc biệt, tại Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2015” BTC sẽ lần đầu tái hiện, giới thiệu đến công chúng nhiều lễ hội dân gian 3 miền độc đáo do chính đồng bào các dân tộc thực hiện. Trong đó, nổi bật nhất là lễ hội cúng biển Mỹ Long do các ngư dân Trà Vinh thực hiện. Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, Cầu Ngang, Trà Vinh) được tổ chức vào các ngày 10-12 tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân vùng biển lớn nhất và lâu đời nhất (gần 100 năm) ở Nam Bộ. Lễ Cầu mưa là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cũng được tái hiện trong Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm nay. Lễ Tằng cẩu của dân tộc Thái diễn ra trong đám cưới truyền thống của dân tộc Thái. Đây là một phong tục mang bản sắc riêng đánh dấu bước ngoặc của những người con gái Thái khi đến tuổi kết hôn. Lễ tằng cẩu diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng, ngoài ra việc búi tóc ngược còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người con gái đã có chồng đó là che trở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc bên gia đình của họ. Lễ hội do đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên thực hiện...

>> Lịch các hoạt động

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×