Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc- 2023
24/09/2023 | 08:46Tối ngày 23/9, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, đã diễn ra Lễ Khai mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Cải lương toàn quốc - 2023.
Cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp cùng với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.
Đến dự Lễ Khai mạc, về phía Đại biểu Trung ương có: NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc thi; ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi; NSND Giang Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Về phía Đại biểu tỉnh Bạc Liêu có ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Tạ Trung Dũng, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Bình Tân, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; ông Hồ Thanh Thuỷ, UVBTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ...
Không chỉ có những đơn vị quen thuộc như Nhà hát Tây Đô, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Đoàn cải lương Hương Tràm..., Cuộc thi còn quy tụ khá đông lực lượng đến từ miền Bắc như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, Đoàn Cải lương Hải Phòng, Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn học - nghệ thuật Đông Nam Á và một số công ty sự kiện và giải trí trên cả nước.... 60 thí sinh đến từ 24 đơn vị nghệ thuật cho thấy sức sống bền bỉ, sự lan tỏa rộng hơn nhiều so với phạm vi mà nghệ thuật này sinh ra và phát triển.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nhấn mạnh: "Cuộc thi Tài năng Diễn viên Cải lương toàn quốc năm 2023 là một trong những hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung, bền vững đất nước, là một trong những hoạt động cụ thể triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ Nghị quyết của Đảng đã đề ra đặc biệt sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; là hoạt động thiết thực góp phần vào thành công chung trong hiện Nghị quyết XIII của Đảng về "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiếp thu tinh hoa nhân loại"; và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Đây cũng là dịp phát hiện, tôn vinh tài năng và những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật Cải lương; đồng thời để các đơn vị nghệ thuật Cải lương tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật Cải lương, thông qua Cuộc thi giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động của nghệ thuật Cải lương, thúc đẩy nghệ thuật Cải lương phát triển phù hợp với thực tế của đời sống xã hội, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của Nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
Ông Phan Thanh Duy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi cho biết: "Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sân khấu Cải lương đã và đang khẳng định giá trị trường tồn của loại hình nghệ thuật độc đáo đồng hành cùng dân tộc. Nếu như miền Bắc là cái nôi của nghệ thuật Chèo; miền Trung là nơi sinh ra nghệ thuật Tuồng, thì miền Nam tự hào là nơi nảy nở và phát triển nghệ thuật Cải lương.
Đây là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc có nguồn gốc từ Đờn ca Tài tử và từ lâu đã trở thành vốn quý của dân tộc. Xuất phát từ một loại hình diễn xướng của người dân miền sông nước Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật sân khấu Cải lương từ buổi hình thành đến nay đã hơn một trăm năm, trải qua biết bao thăng trầm biến đổi, song vẫn tạo cho mình chỗ đứng vững chắc, khẳng định vẻ đẹp huyền diệu của dòng âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ trong dòng chảy thời gian hơn một thế kỷ qua.
Do vậy, cuộc thi tài năng diễn viên cải lương lần này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ hướng đến mục tiêu tìm kiếm các tài năng diễn viên để trình diễn và lưu truyền nghệ thuật sân khấu Cải lương, mà còn góp phần quảng loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Ngoài ra, thông qua Cuộc thi lần này, chúng tôi còn mong muốn giới thiệu đến bạn bè về vùng đất, con người Bạc Liêu thủy chung, nhân hậu, nghĩa tình, yêu cải lương; nơi sản sinh ra bài Dạ cổ Hoài lang bất hủ của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tiền thân của bản Vọng cổ ngày nay.
Sau phần Lễ là phần dự thi của Nhà hát Cao Văn Lầu là các tiết mục thi của các diễn viên.
Các buổi thi tiếp theo sẽ bắt đầu vào lúc 9h00 sáng và 20h00 tối hằng ngày từ 23- 30/9.