Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

17/04/2016 | 10:48

Tối ngày 16.4.2016, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4).

Đến dự buổi lễ có đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên BCH TU Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; Đồng chí Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam; Đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban TGTU; Đồng chí Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; Đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Đồng chí Mai Quang Phấn - Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng; Đồng chí Giang Sơn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào của 8 dân tộc đến từ 8 tỉnh đại diện các dân tộc, vùng miền trong cả nước.
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước hào hùng, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của Dân tộc. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lãnh đạo văn hóa của Đảng, Nhà nước ta là luôn khẳng định văn hóa là bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của Nhân dân. Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Đất nước” đã xác định mục tiêu xây dựng “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Chính phủ quyết định, bắt đầu từ năm 2009 lấy ngày (19.4) hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, nhân ái, thủy chung, khơi dậy lòng tự hào về Đất nước Việt Nam anh hùng.
 
Tiết mục nghệ thuật tại Lễ khai mạc
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định: Sáu năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thực sự trở thành Ngày hội để đồng báo các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân ta. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo, nhiều phong tục, tập quán của đồng báo các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Những hoạt động, việc làm thiết thực, có ý nghĩa về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo… của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đã góp phần khẳng định sức sống, sự trường tồn của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã được khai trương, hoạt động ngày càng có hiệu quả, trở thành “Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em”.
 
Đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực và những thành tích của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Ban, Bộ, ngành, địa phương, đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, để bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.
 
Các đại biểu tặng hoa cho các nghệ sỹ, diễn viên
Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa các dân tộc anh em, củng cố và nâng cao tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam, xây dựng những giá trị văn hóa mới, đồng thời chủ động mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, tiến cùng sự phát triển của thời đại.

Tạo mọi điều kiện nâng cao mức độ thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp chênh lệch về thụ hưởng văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam để đồng bào các dân tộc tăng cường sự gắn bó keo sơn, gần gũi, quý trọng nhau như anh em một nhà, củng cố tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, ý chí và quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta giàu đẹp, văn minh; quảng bá hình ảnh và nền văn hóa dân tộc Việt Nam với các nước và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng niu, trân trọng và những việc làm thiết thực để tôn vinh, gìn giữ và phát huy, những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, tích cực đấu tranh với những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, cách đây 70 năm, khi đất nước vừa giành được độc lập, trong bức thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Giarai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau, chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…

Năm nay, hòa cùng hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư tới Đại hội dân tộc thiểu số Việt Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với các Ban, Bộ, ngành đoàn thể và các địa phương tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam với đa dạng các hoạt động ấn tượng như tái hiện lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, thể thao dân tộc nhằm mục đích góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc, tạo cơ hội để các dân tộc giao lưu, hiểu biết về nhau hơn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước, góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đến bạn bè quốc tế.


Sau phần lễ là chương trình văn hóa nghệ thuật với chủ đề “Ngàn tinh hoa hội tụ” được kết cấu theo mạch văn hóa đặc sắc của 5 vùng địa lý Việt Nam: Vùng văn hóa thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Đông Bắc - Tây Bắc) với những điệu múa hát của dân tộc H’Mông, Hát Then của dân tộc Tày; vùng văn hóa thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ với Quan họ, Chầu Văn, Xẩm; vùng văn hóa thuộc khu vực Trung bộ (Bắc Trung bộ - Nam Trung bộ); vùng văn hóa thuộc khu vực Tây Nguyên; vùng văn hóa thuộc khu vực Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long với những làn điệu đờn ca tài tử ngọt ngào… Thông qua các tác phẩm nghệ thuật, chương trình tạo nên bức tranh với nhiều mảng mầu đa dạng về văn hóa các dân tộc Việt Nam, tràn ngập tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình đoàn kết gắn bó cộng đồng và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc…

Chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra đến hết ngày 19.4 tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động, lễ hội phong phú và đặc sắc.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×