Kết thúc tốt đẹp chuyến công tác của Đoàn nghệ thuật xung kích tình nguyện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1
02/06/2023 | 16:18Chuyến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 trong những ngày cuối tháng 5/2023 của Đoàn nghệ thuật xung kích tình nguyện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội do PGS.TS Đinh Công Tuấn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn vượt qua chặng đường hơn 1000 hải lý đến thăm, tặng quà và tổ chức biểu diễn, giao lưu các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa và nhà giàn DK1 đã thành công tốt đẹp.
Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa từ ngày 23-31/5/2023, đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên gồm 12 thành viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng 266 đại biểu đoàn công tác số 15 trên tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-491 đã đến thăm cán bộ, chiến sĩ tại điểm đảo Đá Thị, đảo Đá Đông A, đảo Cô Lin, xã đảo Sinh Tồn, TT.Trường Sa, H.Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1/15 cụm bãi cạn Phúc Nguyên.
Trước chuyến hải trình, đoàn đã tập luyện, chuẩn bị trang thiết bị và tổ chức một số hoạt động tại Căn cứ Quân sự Cam Ranh như: dâng hương, hoa và thăm Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, đài liệt sĩ tù chính trị Cam Ranh, thăm chùa Linh Nguyên, công viên Tâm Linh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).
Chiều 28/5, giữa biển trời bao la gần đảo Cô Lin, trong không khí trang nghiêm xúc động, đoàn đã tham dự Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu hi sinh đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Ngày 30/5, Tại TT. Trường Sa, đoàn đã dự lễ chào cờ, duyệt đội ngũ tại mốc chủ quyền Trường Sa, thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Vào buổi tối, Đoàn nghệ thuật xung kích của Trường đã tổ chức buổi giao lưu nghệ thuật để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Trong chuyến công tác kéo dài 8 ngày, song song với các hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong Đoàn công tác số 15, Đoàn nghệ thuật xung kích tình nguyện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ tại các điểm đảo với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc về chủ đề ca ngợi biển, đảo, quê hương, đất nước, người chiến sĩ Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Bên cạnh đó, đoàn cũng tổ chức các chương trình giao lưu trên tàu, mang lại không khí vui vẻ, đoàn kết trong suốt hành trình trên con tàu mang số hiệu 491. Khi biểu diễn văn nghệ giữa biển trời Trường Sa, trên các đảo nổi, đảo chìm hay ở boong tàu… giữa tình cảm quân dân ấm áp trên đảo, cảm xúc trong những người chiến sỹ văn hóa như thăng hoa hơn. Lời ca, điệu múa của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo vững tay súng để bảo vệ biển đảo quê hương. Còn với người chiến sỹ văn hóa, tiếng hát hòa tiếng sóng làm cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường hiểu hơn, yêu hơn cuộc sống tại huyện đảo Trường Sa.
Mặc dù thời tiết, khí hậu có nhiều khó khăn, thời gian giao lưu liên tục: sáng (7h – 10h), chiều (13h30 – 16h30), tối (19h – 21h) và nhiều thành viên đoàn không quen với việc đi biển dài ngày bị say sóng nhưng với ý chí kiên cường và tình yêu dành cho Tổ quốc, Đoàn nghệ thuật xung kích tình nguyện Nhà trường vẫn nỗ lực khắc phục, chủ động, linh hoạt, đoàn kết trong quá trình vượt biển để đến các điểm đảo phục vụ chiến sĩ, nhân dân. Chuyến thăm lần này đã giúp cho đoàn công tác nói chung và cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường nói riêng hiểu rõ hơn về biển đảo Tổ quốc, chứng kiến, cảm nhận thực tiễn những khó khăn, gian khổ và sự đóng góp, cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh giữ hải đảo quê hương.
Với tâm thế tự hào, trái tim nhiệt huyết cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến công tác, các cán bộ, giảng viên Nhà trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại những ấn tượng tốt đẹp với những nơi mà đoàn đi qua, góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Hành trình đến với các điểm đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt, là niềm vinh dự, tự hào và là kỷ niệm đẹp đối với người chiến sỹ văn hóa. Tiếng còi tàu vang lên khiến đoàn công tác của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khó giấu đi giọt nước mắt khi tạm biệt. Hẹn gặp lại Trường Sa thân yêu!
Kết thúc đợt công tác dài 8 ngày, Đoàn nghệ thuật xung kích tình nguyện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã được Quân chủng Hải quân bầu làm đơn vị xuất sắc. Nhân dịp này, Quân chủng Hải quân trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo cho 33 cá nhân và tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho 176 cá nhân. Đặc biệt trong số đó, PGS.TS Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng đoàn công tác được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và 11 cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường nhận Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa.