Hướng đi mới của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
22/08/2018 | 14:11Trong bối cảnh chung hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn, các hoạt động giải trí, các bảo tàng đang đứng trước thách thức sống còn trong việc tồn tại và phát triển.
Thay vì nghĩ đến bảo tàng chỉ là nơi giới thiệu lại tiến trình lịch sử, các nền văn hóa… một cách thụ động và đơn thuần với việc nghe, nhìn, tìm hiểu thông tin qua thuyết minh, việc hướng đến xây dựng một bảo tàng động qua việc sử dụng công nghệ tiên tiến và đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế cho khách tham quan có lẽ là hướng đi tất yếu.
Trong khuôn khổ bài viết, người viết xin đề cập đến việc đa dạng các hình thức trải nghiệm thực tế tại bảo tàng mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một ví dụ sinh động.
Từ tĩnh đến động
Khác với nhiều Bảo tàng khác trong khu vực nội đô, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một trong 5 bảo tàng quốc gia, nhưng lại là bảo tàng duy nhất nằm cách xa thủ đô. Vị trí địa lý này cũng ảnh hưởng rất lớn tới lượng khách tham quan hàng ngày. Do đó, vấn đề làm thế nào để thu hút khách tham quan là vấn đề lớn được đặt ra đối với bảo tàng. Để thu hút khách tham quan, yêu cầu tiên quyết là phải tạo được sự hấp dẫn từ cách trưng bày, là làm thế nào để khách có thể hòa mình vào những vùng văn hóa đang tham quan.
Học sinh theo dõi cách dệt vải lanh của người Mông
Sản phẩm từ sợi lanh của nghệ nhân dân tộc Mông giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Từ 5/2010, Bảo tàng đã đưa không gian ngoài trời vào hoạt động, đồng thời gắn liền với việc tổ chức các lớp trao truyền văn nghệ dân gian đặc sắc như: Múa Khơ me, nhạc ngũ âm, múa quạt, múa rối nước…; tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm tại chỗ và lưu động trong nước và quốc tế như Malaysia, Thụy Điển, Philippine, Úc, Campuchia, Thụy Điển… Theo thống kê, số lượng công chúng tham quan và trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng tăng lên rõ rệt so với giai đoạn 2005 – 2009, mỗi năm thu hút khoảng 180.000 khách tham quan.
TS Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết “Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam có bề dày 60 năm với kho tàng văn hóa truyền thống được tích lũy qua hơn 50000 hiện vật là giá trị văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam. Từ kho tàng giàu có như vậy chúng tôi rất mong muốn đưa giá trị văn hóa truyền thống kết nối với văn hóa đương đại và trở thành dòng chảy liên tục từ quá khứ tới hiện tại, từ truyền thống tới đương đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.”
TS Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế vừa là cách gắn kết giữa di sản văn hóa với môi trường giáo dục, vừa là cách để hấp dẫn, tăng lượng khách đến với Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là các vị khách nhí.
Các “vị khách nhí” là một trong những “khách hàng tiềm năng” của các điểm đến văn hóa. Bởi không đơn thuần chỉ là việc giới thiệu các giá trị văn hóa, giá trị di sản của dân tộc tới thế hệ trẻ, việc đưa các em tới với các giá trị văn hóa, các khu di sản cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc, với cội nguồn.
Hàng năm, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa dân tộc cho các du khách nhí như: “Đèn lồng nhân ái”, “Chiếc cày và người nông dân”, “Khung dệt xưa và nay”, “70 năm bước chân Bộ đội cụ Hồ”, “em tập làm nông dân”, “Người thợ thủ công”, “Lễ hội trà”… Qua đó, các chương trình đã mang đến cho học sinh cái nhìn toàn diện, đa chiều về văn hóa dân tộc.
Học sinh trực tiếp tham gia trải nghiệm làm giấy dó của người Dao
Lý giải lý do tập trung hướng đến các du khách nhí, TS Nguyễn Thị Ngân cho biết, ngày nay giới trẻ được tiếp xúc với internet, được tiếp cận với các luồng văn hóa khác nhau đôi khi các em lại nhãng quên những giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, chúng tôi nhắm tới những đối tượng học sinh nhí, nhất là học sinh ở lứa tuổi phổ thông. Những bước đầu đời, các em đã định hình những sáng tạo cho bản thân các em. Đôi khi được tham quan, được trải nghiệm các em sẽ có cái nhìn xác đáng hơn về giá trị văn hóa của cuộc sống, của các thế hệ đi trước. Từ đó, định hình sáng tạo của mình là kế thừa dòng chảy truyền thống, đem lại giá trị mới cho cuộc sống từ nền văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, chính các em cũng là người kết nối và khơi nguồn sáng tạo cho cán bộ bảo tàng. Khi cùng tiếp xúc, cả các em và cán bộ bảo tàng đã có những chủ đề mới, có sáng tạo mới gắn liền với cuộc sống – TS Ngân cho hay.
Em Trần Thị Thùy Linh – Lớp 12A1 Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc lần đầu tiên tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết cảm thấy rất vui, rất ý nghĩa khi được tham gia các hoạt động thường ngày của các dân tộc vùng núi (trải nghiệm làm giấy dó của người Dao). Nếu được tiếp tục tham gia các trải nghiệm, em muốn được tham gia trải nghiệm dệt vải lanh, chàm của người Mông.
Sự kết hợp giữa quá khứ và tương lai, tĩnh và động, giữa truyền thống và đương đại, đã làm nên một bảo tàng gắn kết thực sự với đời sống, để ai đã đến trải nghiệm một lần, lại mong được trở lại nơi đây, cùng hòa mình vào cuộc sống của bác nông dân, anh bộ đội, những người nghệ nhân và rất nhiều câu chuyện văn hóa về con người Việt Nam./.
Gia Linh/ ảnh: Minh Khánh