Hợp tác Quốc tế: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác của Nhà hát Kịch Việt Nam.
20/07/2018 | 09:45Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam – NSND Anh Tú chia sẻ, trong vai trò chèo lái con thuyền, anh may mắn được những người đồng nghiệp “chung sức” để Nhà hát ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong kế hoạch dài hơi, Nhà hát sẽ luôn có những vở kịch được hợp tác với các đạo diễn nước ngoài.
+ Anh có thể chia sẻ những thành công trong việc đưa nghệ thuật đến với công chúng qua các chương trình nghệ thuật đặc sắc mà Nhà hát đã thực hiện?
- Những năm gần đây, chúng tôi đã có những vở diễn được khán giả và truyền thông yêu thích như: Biệt đội báo đen, Bão tố Trường Sơn, Kiều, Hamlet…..Đặc biệt, vừa rồi tại Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018, nhà hát đã giành được khá nhiều giải thưởng Vàng, Bạc từ vở diễn đến diễn viên tham gia ….Trong đó, vở Bão tố Trường Sơn giành huy chương vàng hay các diễn viên chính trong “ Kiều” hay Bão tố Trường Sơn đều nhận huy chương vàng cá nhân như: NSƯT Thúy Phương, NSƯT Xuân Bắc, nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa…
Vở kịch Bão tố Trường Sơn
+ Theo anh, những thuận lợi và khó khăn của đơn vị khi thực hiện các chương trình nghệ thuật là thế nào?
- Những bất cập và khó khăn khi thực hiện các vở diễn đó chính là vấn đề tìm kịch bản thật hay, sau đó là kinh phí để dàn dựng.
Còn thuận lợi là Nhà hát Kịch Việt Nam đã có bề dày về lịch sử, đã có thương hiệu riêng và đặc biệt chúng tôi có lực lượng nghệ sỹ sáng tạo hùng hậu và tài năng, lại yêu nghề, luôn tràn đầy nhiệt huyết và gắn bó với Nhà hát.
+ Anh có thể tiết lộ, trong thời gian qua, Nhà hát đã có những hoạt động hợp tác quốc tế gì nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam và nâng cao trình độ diễn xuất?
- Là người đứng đầu nhà hát nên tôi luôn quan tâm và theo dõi những ngày kỉ niệm quan trọng không chỉ trong nước mà Quốc tế liên quan đến hoạt động ngoại giao, văn hóa . Năm nay kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, hiện chúng tôi đã bắt tay với đạo diễn người Singapore dựng vở Hồng Lâu Mộng.
Gần đây, nhân kỉ niệm quan hệ ngoại giao với Nhật bản, khi hợp tác với Nhật sẽ có một tổ đạo diễn, biên đạo người Nhật sang tập huấn cho diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đợt tập huấn này sẽ bắt tay thực hiện vở ngắn chủ yếu về ngôn ngữ hình thể. Điều này sẽ rất tốt vì giúp vượt qua được rào cản tiếng mẹ đẻ và có cơ hội hơn cho diễn viên mở rộng tầm mắt, tiếp thu, học hỏi các kỹ năng của bạn bè thế giới.
NSND Anh Tú
+ Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, anh có thể chia sẻ Nhà hát kịch Việt Nam đã ứng dụng vào hoạt động thực tế như thế nào?
- Công nghệ 4.0 đang len lỏi vào nhiều nghành nghề trong xã hội không chỉ riêng với ngành nghệ thuật. Tuy nhiên nhờ những thành tựu của công nghệ 4.0 vào thực tiễn như âm nhạc số, biểu diễn sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại ...đã giúp cho Ngành này được phát triển. Nhưng còn một yếu tố rất quan trọng là nhân tố con người, những nghệ sĩ đảm nhận vai diễn thì việc có công nghệ hỗ trợ chỉ là phần nào mà tài năng, sự khổ luyện, sự hóa thân cho nhân vật khi trình diễn mới là điều quan trọng và chính là yếu tố tạo nên sự thành công của vở diễn. Khi chúng ta có tài năng thì công nghệ 4.0 sẽ bổ trợ cho nghệ thuật được thăng hoa.
+ Việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó chúng ta có việc sáp nhập các đơn vị, kêu gọi các hoạt động xã hội hóa... Là một trong những người đứng đầu nhà hát, anh đã tìm được lối đi nào mới?
- Khoảng 2 năm trở lại đây, nhà hát đã thực việc sáp nhập các phòng ban lại với nhau cũng như phân bố nhân sự cho phù hợp. Bên cạnh đó, tôi luôn trăn trở và cố gắng sử dụng quỹ ngân sách thật hợp lý để dựng những vở diễn đặc sắc, tốt nhất mang đến cho khán giả thưởng thức.
Nhà hát kịch Việt Nam hay những nhà hát khác thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều là những tài sản quốc gia về văn hóa, nghệ thuật với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc riêng có. Vì thế chúng ta phải luôn đồng lòng, hợp sức để các nhà hát cùng phát triển mạnh mẽ và vươn tầm Quốc tế.