Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Họp Hội đồng thẩm định “Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị DTQGĐB Chùa Phật Tích”

03/08/2017 | 16:18

Sáng 3/8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng thẩm định “Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích” và “Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Ninh đã báo cáo Hội đồng về nội dung của Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị đối với hai di tích Chùa Phật Tích và Chùa Bút Tháp. Theo đó, sau phiên họp lần 1 của Hội đồng diễn ra ngày 6/12/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở VHTTDL tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến các nhà khoa học góp ý cho việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn, phát huy giá trị đối với di tích Chùa Phật Tích và Bút Tháp. Báo cáo này được xây dựng từ sau góp ý của phiên họp Hội đồng lần 1 và Hội thảo về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã chỉ ra những điểm đã làm được và một số hạn chế của nội dung Quy hoạch, đồng thời chỉ ra những điều cần nêu rõ hơn trong quy hoạch đối với hai di tích này. Các thành viên Hội đồng đều thống nhất quan điểm cho rằng, Chùa Phật Tích và Chùa Bút Tháp là hai di tích quốc gia đặc biệt, tuy nhiên, hai di tích khác nhau, một di tích thuộc dạng phế tích, cần phát huy giá trị khảo cổ, một di tích còn nguyên gốc, cần phát huy giá trị bảo tồn. Vì vậy, hai nội dung quy hoạch phải khác nhau từ mục đích, ý nghĩa đến nhiệm vụ, giải pháp…

Bên cạnh đó, các ý kiến của Hội đồng cũng đề nghị nêu bật giá trị hai di tích. Di tích Chùa Bút Tháp và Chùa Phật Tích đều đang lưu giữ những bảo vật quốc gia, vì vậy, Quy hoạch phải đặt vấn đề bảo vệ bảo vật quốc gia là ưu tiên hàng đầu.

7/8 thành viên Hội đồng Di sản thống nhất thông qua Quy hoạch và yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh có chỉnh sửa thêm theo nhận xét của các thành viên Hội đồng. 01 thành viên thông qua Quy hoạch không yêu cầu sửa.

Ghi nhận những đóng góp của các thành viên Hội đồng di sản, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao trách nhiệm và sự chủ động của Bắc Ninh trong việc xây dựng, lập quy hoạch tổng thể đối với hai di tích quốc gia đặc biệt Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp và những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Thứ trưởng yêu cầu Sở VHTTDL Bắc Ninh trên cơ sở các góp ý của Hội đồng, chỉnh sửa lại nội dung Quy hoạch.

“Những điểm nổi bật của hai di tích, nhiệm vụ, những giải pháp cụ thể, gắn với phát triển ở địa phương, biện pháp quản lý như thế nào… phải được nêu cụ thể trong Nhiệm vụ quy hoạch. Với hai di tích Chùa Bút Tháp và Phật Tích, dù cùng là di tích quốc gia đặc biệt của văn hóa Phật giáo, nhưng là hai di tích có đặc điểm, hiện trạng khác nhau, vì vậy phải xác định giá trị văn hóa khác nhau, từ đó đề xuất nhiệm vụ bảo tồn, phát huy khác nhau" - Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhận định.

Toàn cảnh cuộc họp.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, không để quy hoạch là hợp lý hóa những việc đã rồi ở địa phương. Việc quy hoạch cũng cần chú ý đến lợi ích của cộng đồng gắn với di sản, không được tách di sản ra khỏi cộng đồng nhân dân sống xung quanh di tích.  Thứ trưởng đề nghị Sở VHTTDL Bắc Ninh, trước 20/8 gửi bản chỉnh sửa quy hoạch về Cục Di sản (Bộ VHTTDL) để Bộ VHTTDL trình Chính phủ trước 30/8/2017.

Chùa Phật Tích từng nổi tiếng là đại danh lam thắng cảnh được khởi dựng vào thời vua Lý Nhân Tông. Chùa có tên chữ là "Vạn Phúc tự", tọa lạc ở lưng chừng sườn phía nam núi Phật Tích, cảnh quan tuyệt đẹp. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Chùa Phật Tích đều được trùng tu, tôn tạo và là trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Đến nay ngót nghìn năm, dấu tích của đại danh lam Chùa Phật Tích vẫn còn đó với các lớp nền kè đá rộng lớn, hàng linh thú uy nghi chầu phục, đặc biệt là tượng Phật A Di Đà bằng đá thời nhà Lý với vẻ đẹp trường tồn.

Chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc Thiền Tự, được khởi dựng thời Trần Thánh Tông (1258 – 1278). Kiến trúc tổng thể của Chùa Bút Tháp rất độc đáo, bố cục gọn gàng, cân xứng, chặt chẽ và sinh động, kiến trúc của chùa theo kiểu nội công ngoại quốc.

Chùa Bút Tháp có hệ thống tượng phật quý giá, phong phú. Đặc biệt tượng phật Tam Thanh, Tam Thế, tượng phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được xem là pho tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia./.

Hồng Gấm - Minh Khánh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×