Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Họp báo giới thiệu “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”

24/08/2012 | 13:23

(VP) - Sáng 22/8, tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam (Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo giới thiệu “Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012”.

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/8 đến 2/9 tại Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ II - 2012 có sự tham dự của các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và UBND thành phố Hà Nội. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Ngày truyền thống của Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ VHTTDL (28/8).

Theo Ban Tổ chức, lễ khai mạc với chủ đề “Tây Nguyên - Những sắc màu văn hóa” sẽ diễn ra vào tối 28/8 giới thiệu đặc trưng văn hóa Tây Nguyên như: hòa tấu cồng chiêng, diễn tấu Drông tuê (mời rượu đón khách), hòa tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên, vòng Xoang đoàn kết… Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam. Lễ tổng kết, khen thưởng, bế mạc Ngày hội với chủ đề “Tạm biệt Tây Nguyên” vào 20h, ngày 1/9/2012.

Ngày hội sẽ gồm 3 chương trình chính: Triển lãm “Tây Nguyên: Truyền thống và Phát triển”; Hội chợ giới thiệu ẩm thực đậm chất Tây Nguyên; Chương trình văn hóa nghệ thuật - Lễ hội - Giao lưu - Tọa đàm.

Tại khu vực trưng bày chung giới thiệu không gian “Tây Nguyên - bản sắc văn hóa truyền thống” qua hình ảnh, sưu tập hiện vật của các tộc người như: trang phục truyền thống, cồng chiêng, công cụ lao động sản xuất, các loại nhạc cụ, các hiện vật liên quan đến nghi lễ đời người… giúp người xem có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa điển hình của các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Một Tây Nguyên hội nhập và phát triển tập hợp tác phẩm của các nhà sưu tập, họa sỹ, nhiếp ảnh gia của 3 miền đất nước yêu mến Tây Nguyên như: Binh đoàn 15 trưng bày, giới thiệu những hoạt động và thành tựu của Binh đoàn với tiêu chí “Phát triển Tây Nguyên toàn diện, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái của đất nước”; Triển lãm “Tranh, tượng về Tây Nguyên” sẽ trưng bày các tác phẩm về Tây Nguyên của các nhà điêu khắc, họa sỹ nổi tiếng như: “Bác Hồ với Tây Nguyên” của họa sỹ Xu Man, “Lớp học văn hóa dân tộc” của họa sỹ Hà Xuân Phong, “Cha và hai con” của họa sỹ Hồ Uông…; Triển lãm “Sử thi Tây Nguyên”: trưng bày hơn 100 tác phẩm của kho tàng sử thi Tây Nguyên của các dân tộc Ba Na, Ê Đê, Mơ Nông, Ra Glai, Xê Đăng… đã được sưu tầm, giữ gìn và đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ Tây Nguyên.

Đặc biệt, triển lãm “Cổ vật Tây Nguyên” trưng bày 150 hiện vật cổ do Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và bảo tồn cổ vật Việt Nam cung cấp như: nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục…của người Tây Nguyên. Triển lãm tranh “Sắc màu Tây Nguyên” trưng bày hơn 30 tác phẩm tranh sơn mài như: “Lễ Pơ thi” “Thiếu nữ Tây Nguyên”, “Miền nắng gió”, “Giã gạo”… Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên tự tình” với gần 100 tác phẩm về vùng đất và con người Tây Nguyên.

Các bộ sưu tập cá nhân “Hiện vật Tây Nguyên” giới thiệu những công cụ lao động, săn bắt, nhạc cụ, đồ đựng, đồ đun nấu, trang sức, thổ cẩm…cùng các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Tây Nguyên.

Tại khu vực trưng bày riêng của các tỉnh Tây Nguyên: Tình Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong mọi lĩnh vực văn hóa truyền thống, du lịch, kinh tế, nông lâm nghiệp…

Ngoài ra, một hội chợ giới thiệu về ẩm thực và bán các đặc sản, nông sản, sản vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch đậm chất Tây Nguyên. Một không gian trà (Lâm Đồng) và không gian cà phê (Đắk Lắk) sẽ được tạo dựng tại sân ngoài trời sẽ là điểm thăm quan và thưởng thức sản phẩm đặc trưng của đất Tây Nguyên.

Hoạt động giao lưu, tọa đàm gồm có: chương trình giao lưu “Tây Nguyên - Những năm tháng không quên” giữa các cựu chiến binh, những nười tham gia trận chiến mở màn giải phóng Buôn Mê Thuột và mặt trận Tây Nguyên những năm 1975...; cuộc gặp gỡ của các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ Tây Nguyên về phát triển không gian văn hóa cồng chiêng - kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại và bảo tồn sử thi Tây Nguyên...; chương trình giao lưu: “Âm vang Tây Nguyên” với các văn, nghệ sĩ nổi tiếng có sáng tác và biểu diễn về đề tài Tây Nguyên như: NSƯT Rơ Chăm Pheng, nhạc sỹ Nguyễn Cường, nghệ sỹ Linh Nga Niêk Đam, Yphôn Ksor, YZoen, ADủd…

Tọa đàm về “Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo và đa dạng của Tây Nguyên” nhằm tạo diễn đàn, tiếng nói từ thực tiễn nhằm thúc đẩy quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Nguyên.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×