Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Họp báo giới thiệu Nghị định số 21/2015/NĐ-CP và Quyết định số 210/QĐ-TTg

20/03/2015 | 11:17

Chiều 18/3 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp báo giới thiệu Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; đồng thời giới thiệu Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08/02/2015 về phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Hội nhập quốc tế về văn hóa

Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 08/02/2015. Mục tiêu chung của Chiến lược là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 là xây dựng và vận hành cơ chế điều phối quốc gia về văn hóa đối ngoại; phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại. Bên cạnh đó, thành lập trung tâm văn hóa ở một số địa bàn trọng điểm trên thế giới và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam đồng thời với việc thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài...

Theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, điểm quan trọng nữa được nêu trong Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đó là Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các cơ quan đại diện văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài có tham tán văn hóa. Đây là một bước chuyển rất lớn, một nhiệm vụ lớn của ngành văn hóa. Trong giai đoạn đến năm 2020, chiến lược sẽ ưu tiên triển khai ở các địa bàn trọng điểm, nhóm địa bàn truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước thuộc khối ASEAN, các nước đối tác chiến lược ở Châu Á, Thái Bình Dương. Tầm nhìn đến năm 2030 là đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa thế giới và cộng đồng quốc tế.

Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 210/QĐ-TTg trên cơ sở xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của đất nước trong thời kỳ mới hội nhập quốc tế. Chiến lược xác định văn hoá đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

 
Toàn cảnh buổi họp báo

Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm nghệ thuật

Nghị định số 21/2015/NĐ-CP gồm 5 chương, 14 điều, áp dụng đối với những tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí phụ thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

So với Nghị định số 61/2002/NĐ-CP, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và phù hợp với thực tiễn.

Nghị định có bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hoá một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu biễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thoả thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo.

Ngoài ra, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP còn thêm các chức danh được hưởng chế độ nhuận bút, thù lao để phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Như đối với điện ảnh, thêm chế độ cho đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo, người làm hóa trang. Còn đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh, quy định trước đây việc trả nhuận bút là theo thỏa thuận giữa đôi bên là người chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng tính theo giá trị tác phẩm, thì quy định mới ghi rõ tỉ lệ phần trăm nhuận bút đối tượng được hưởng nhưng tính theo giá thành tác phẩm, dễ làm căn cứ tính toán hơn... Đáng kể nhất là tỉ lệ phần trăm hoặc hệ số để tính nhuận bút cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác trong quy định mới đều tăng hơn trước. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×