Họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045"
28/04/2023 | 07:42Chiều 27/4, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập Đề án "Xây dựng mô hình thư viện cơ sở phục vụ nhân dân miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Bà Kiều Thúy Nga – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban soạn thảo Đề án chủ trì cuộc họp.
Việc xây dựng và củng cố mạng lưới thư viện, hiện đại hóa, đổi mới, liên thông thư viện, tổ chức hoạt động thư viện tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được xem là một trong những chính sách quan trọng được thể chế hóa trong Luật Thư viện năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đây, vai trò của thư viện cũng được khẳng định là một trong những lực lượng tiên phong để thúc đẩy xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển khu vực trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có phát triển văn hóa, thông qua việc củng cố, kiện toàn và phát triển các thiết chế văn hóa đặc biệt là thiết chế thư viện trên địa bàn. Tuy vậy, do điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ đầu tư cho hoạt động thư viện tại hầu hết các tỉnh/thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay còn nhiều hạn chế, thư viện cấp xã, thư viện cơ sở - một trong những loại hình thư viện gần với nhân dân, thiết thực phục vụ cho hoạt động của cộng đồng còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đọc sách, tiếp cận tri thức của người dân.
Vì vậy, việc triển khai Đề án nhằm xây dựng các mô hình thư viện cơ sở phù hợp, linh hoạt gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân khu vực miền núi, biên giới vùng trung du và miền núi phía Bắc có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, từ đó hình thành thói quen đọc sách, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập đều nhất trí về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án. Ngoài ra, các thành viên đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về Dự thảo đề cương của Đề án cũng như chỉ ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện – Trưởng Ban soạn thảo Đề án yêu cầu Ban soạn thảo và Tổ biên tập tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện Dự thảo đề cương Đề án. Bà Kiều Thúy Nga cũng nhận định, đây là một Đề án khó, cần có thời gian để khảo sát thực tiễn, đồng thời, các thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập cần tập trung, tiếp tục đầu tư thời gian nghiên cứu để đảm bảo được đúng tiến độ của Đề án./.