Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo-Tọa đàm “Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam”

17/12/2014 | 17:40

Sáng ngày 16/12, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Di sản văn hóa, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VHTTDL) phối hợp tổ chức Hội thảo-Tọa đàm “Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam”.

Tham gia Hội thảo-Tọa đàm có đại diện các Sở VHTTDL, đại diện các Ban quản lý di tích quốc gia của một số địa phương trên cả nước, các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và di sản văn hóa.

Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó đã có 8 di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới, 48 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Trong những năm qua, Bộ VHTTDL cùng với các cấp các ngành, các địa phương quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường tại các di tích và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ phát huy giá trị di tích. Nhiều điển hình về công tác bảo vệ môi trường tại các di tích có thể kể tới như Yên Tử, Tràng An - Bái Đính, Hội An, Miếu Bà Chúa Xứ… Nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ và du khách tại các di tích đã được nâng cao.      

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường tại các di tích, đặc biệt là đối với các di tích có tổ chức lễ hội, có lượng du khách lớn tập trung trong một thời gian ngắn còn nhiều vấn đề tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn như thu gom, xử lý rác thải, nước thải, hệ thống nhà vệ sinh, hiện tượng cò mồi, chèn ép, lừa đảo khách du lịch, đốt vàng mã chưa đúng với quy định đang là những vấn đề cần được quan tâm, có giải pháp khắc phục.

Tại Hội thảo-Tọa đàm, các đại biểu đã nêu những khó khăn vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các di tích, cũng như đề xuất những giải pháp góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và sự nghiệp bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng.  

Bên cạnh đó, nội dung tham luận của các đại biểu cũng tập trung vào một số vấn đề cụ thể đối với dự thảo các tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích ở Việt Nam; bao gồm 4 tiêu chí: Bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường nhân văn, quản lý bảo vệ môi trường tại di tích, tuyên truyền - quảng bá - giáo dục.

Theo ý kiến các đại biểu, bộ tiêu chí công nhận đạt chuẩn môi trường tự nhiên và nhân văn tương đối đầy đủ, có ý nghĩa quan trọng, nêu bật được sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là trong công tác bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Bộ tiêu chí sẽ trở thành thước đo đánh giá hiện trạng để từ đó có những giải pháp quản lý và bảo vệ phù hợp trước những biến động to lớn về môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa đối với các di tích ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo-Tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Từ Mạnh Lương khẳng định, trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp để hoàn thiện dự thảo bộ tiêu chí bảo vệ môi trường, để báo cáo với lãnh đạo Bộ VHTTDL hướng dẫn tới các địa phương nhằm chuẩn bị tốt nhất các hoạt động về bảo vệ môi  trường tại các di tích cả nước trong mùa lễ hội năm 2015.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×