Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo tập huấn ngành di sản văn hoá năm 2014

07/10/2014 | 17:27

Sáng 07/10, tại Hà Nội, Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo tập huấn ngành di sản văn hoá năm 2014 cho 300 đại biểu là lãnh đạo các bảo tàng, ban quản lý di tích, khu di sản thế giới, các phòng nghiệp vụ di sản văn hóa thuộc Sở VHTTDL trên toàn quốc. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã tới dự và phát biểu khai mạc.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 với kinh phí cho các hoạt động chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích, sưu tâm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam trên 5.000 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn xã hội hóa).

Hành lang pháp lý về di sản văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, với 01 Nghị định của Chính phu và 02 Thông tư của Bộ trưởng Bộ VHTTDL được ban hanh (gồm: Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”,“Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Thông tư số ll/2013/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2013 quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập; Thông tư số 17/2013/TT- BVHTTDL ngày 30/12/2013 hướng dẫn xác định chi phí lập quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích). Đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện có trên 7.000 người, trong đó, hệ thống bảo tàng có gần 3.000 người, các khu di tích, ban/trung tâm quản lý di tích có trên 4.000 người.

 
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo tập huấn

Công tác phát triển sự nghiệp cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 48 di tích quốc gia đặc biệt; 3.211 di tích quốc gia 7.484 di tích cấp tỉnh; 69 di sản văn hóa phi vật thê được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thế quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 145 bảo tàng (gồm 123 bảo tàng công lập và 22 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật, trong đó, 67 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trên bình diện quốc tế đã có 20 di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO vinh danh (gồm: 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 08 di sản văn hóa phi vật thể và 04 di sản tư liệu).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức bẩt cập: Hoạt động tu bổ, tôn tạo, cung tiến hiện vật cho di tích tại một số địa phương chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn để xảy ra sai phạm. Một số trường hợp đã được dư luận, báo chí đề cập gây bức xúc trong xã hội; nhiều bảo tàng còn chậm đổi mới về nội dung, hình thức trưng bày, thiếu tính hấp dẫn, đầu tư cho bảo tàng còn nhiều bất cập; việc triển khai một số chương trình, dự án về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể còn thiếu sự tham gia một cách sâu rộng của cộng đồng cùng các nhà khoa học.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của toàn xã hội về giá trị di sản văn hóa chưa thực sự sâu sắc và toàn diện, ý thức pháp luật chưa cao; chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; ngành di sản văn hóa rất thiếu những chuyên gia chuyên sâu ở từng lĩnh vực cụ thể, cũng như ở tầm vĩ mô...

 
Toàn cảnh Hội thảo tập huấn

Hội nghị tập huấn diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI mới ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vừng đất nước, trong đó nêu rõ: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển kinh tế-xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”.

Để đáp ứng nhiệm vụ nói trên trong hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ở các nhà quản lý di sản văn hóa một tinh thần trách nhiệm và khả năng tổ chức, trình độ nghiệp vụ cao hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ thực tiền đặt ra. Vì vậy, nhiệm vụ tổ chức tập huấn chuyên môn định kỳ hàng năm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa luôn được Lãnh đạo Bộ VHTTDL ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa ở địa phương cùng tham gia trao đổi, để khi trở về, có thể đem những nhận thức mới từ khóa tập huấn vận dụng một cách hiệu quả trong thực tế ở địa phương mình.

Phát biểu tại Hội thảo tập huấn, Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu và học viên cần chủ động cập nhật những kiến thức mới, tích cực và thẳng thắn trao đổi về những vấn đề phát sinh trong thực tiên bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để cùng rút kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn. Đồng thời, Ban Tổ chức cần chú ý lắng nghe, trao đổi và tiếp thu ý kiến đóng góp từ đại biểu và học viên để tổng kết và đề xuất Lãnh đạo Bộ những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng chuyên môn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới.

Trong 03 ngày làm việc, Hội thảo tập huấn sẽ tập trung và thảo luận vào 04 chủ đề chính, mang tính thời sự hiện nay, đó là: Tình hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và định hướng lớn trong giai đoạn hiện nay; một số vấn đề đặt ra trong việc thực hiện “Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020”; vấn đề phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thế; Di sản ký ức - bảo tồn và phát huy.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×