Hội thảo “Nghiên cứu khai quật và phát huy giá trị tài liệu hiện vật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam”
04/11/2020 | 17:44Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị tài liệu, hiện vật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam”.
Tham dự và điều hành Hội thảo có TS. Phạm Quốc Quân - Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hoá quốc gia; TS. Nguyễn Văn Cường - Nguyên Giám đốc BTLSQG; Dự Hội thảo còn có: Đại diện Vụ Khoa học Công Nghệ; Cục Di sản Văn Hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc; Th.S Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc; Th.S Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc; các thành viên Hội đồng Khoa học BTLSQG, cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực khảo cổ học, khảo cổ học dưới nước, lịch sử, văn hóa, bảo quản… của Viện Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cùng toàn thể cán bộ viên chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ...
Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một trong ba trung tâm nghiên cứu khảo cổ học lớn của cả nước, là bảo tàng duy nhất có tầm ảnh hưởng, uy tín quốc tế trong hoạt động hợp tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước. Bảo tàng đã chủ trì, tham gia đầy đủ 06 cuộc khai quật tàu cổ đắm, hiện đang lưu giữ gần 10.000 tài liệu, hiện vật với bộ sưu tập hiện vật đồ gốm sứ từ các con tàu đắm đầy đủ, phong phú nhất so với các bảo tàng trong nước.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, khai quật, phát huy giá trị sưu tập tài liệu, hiện vật về các tàu cổ đắm, BTLSQG đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu khai quật và phát huy giá trị tài liệu hiện vật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam”. Với 20 tham luận, tập trung vào 2 nội dung chính: Nghiên cứu, khai quật, bảo quản giá trị tài liệu, hiện vật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam và Phát huy giá trị tài liệu, hiện vật tàu cổ đắm ở vùng Biển Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Thông qua việc nghiên cứu các con tàu đắm đã khẳng định sự tham gia của người Việt trong giao thương quốc tế và vị thế của vùng biển Việt Nam trong tuyến đường biển quốc tế. Tại Hội thảo các nhà nghiên cứu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi như vấn đề khó khăn trong cơ chế khai quật; nạn trộm đồ cổ; vấn đề xuất bản ấn phẩm về tàu đắm Cù Lao Chàm; đồng thời đặt ra các vấn đề nghiên cứu mới như giao thương buôn bán đồ gốm sứ trên bờ… Nội dung tham luận và các ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần bổ sung tư liệu, luận cứ, nhận định cho một nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về những con tàu đắm cổ trong vùng biển Việt Nam.