Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo khoa học “Văn hoá đối ngoại trong thế giới hội nhập”

01/12/2011 | 09:27

(VP)- Sáng 30/11, tại Hà Nội, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Trường Đại học Văn hoá tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hoá đối ngoại trong thế giới hội nhập”. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.


Báo cáo đề dẫn Hội thảo nêu rõ: Văn hoá đối ngoại là tổng thể các hoạt động ứng xử của một dân tộc này đối với các dân tộc khác nhằm đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế và văn hoá. Văn hoá đối ngoại thể hiện chiều cao của văn minh, chiều sâu của lịch sử và văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc… Trong ba hoạt động trụ cột của hoạt động đối ngoại (chính trị, kinh tế và văn hoá) thì ngoại giao văn hoá đang dần đóng vai trò quan trọng và hữu hiệu trong hoạt động ngoại giao của các nước. Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định ngoại giao văn hoá là một trụ cột quan trọng trong chiến lược ngoại giao toàn diện của Việt Nam.

Báo cáo đề dẫn cũng đưa ra một số nội dung Hội thảo cần tập trung làm rõ gồm: Những vấn đề lý luận về văn hoá đối ngoại; Phát triển văn hoá đối ngoại Việt Nam; Văn hoá đối ngoại và toàn cầu hoá. Đây đều là những vấn đề “mở” để các nhà khoa học, những người hoạt động trong công tác ngoại giao cùng nghiên cứu, thảo luận, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về văn hoá đối ngoại trong thế giới hội nhập.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và các đại biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định: trong thế giới toàn cầu hoá, việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Trong quá trình đó, vai trò của văn hoá ngày càng được coi trọng… Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá giúp đạt các mục tiêu mà chính sách văn hoá đặt ra, đó là tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước, góp phần xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cũng theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, hợp tác về văn hoá còn là nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Thông qua các hoạt động văn hoá đối ngoại, bạn bè thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hoá Việt Nam, từng bước tạo dựng lòng tin đối với Việt Nam, đưa quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.


Ngoại giao văn hóa là trụ cột quan trọng trong chiến lược ngoại giao toàn diện của VN

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị các đại biểu tham gia Hội thảo tích cực thảo luận xung quanh các chủ đề khác nhau, từ những vấn đề mang tính lý luận của văn hoá đối ngoại, đến những kinh nghiệm chuyên ngành cụ thể như giáo dục bảo tàng, giáo dục nghệ thuật, biểu đạt của nghệ thuật tạo hình trong ngoại giao văn hoá… từ đó đưa ra những khuyến nghị về chính sách và cơ chế, cũng như đề xuất các giải pháp, phương thức để nâng cao hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại.

BTC đã nhận được 44 tham luận của các cán bộ quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học và được  trình bày tại Hội thảo (phiên toàn thể và các tiểu ban hội thảo chuyên đề). Ngoài các vấn đề chung nhất mang tính lý luận, các tham luận cũng đề ra những giải pháp thiết thực và hữu hiệu, trước mắt và lâu dài để đẩy mạnh hoạt động văn hoá đối ngoại của nước ta.

HCTC


Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×