Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển”
26/11/2016 | 13:00Chiều 25/11, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển”. Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo đã thu hút hơn 50 nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc của Việt Nam và đại diện quốc tế đến từ các tổ chức âm nhạc, nghệ thuật quốc tế và các nhà hoạt động văn hóa, âm nhạc quốc tế hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cùng công chúng quan tâm tham dự.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên mong muốn: “Hội thảo không chỉ là dịp để tổng kết những thành tựu, kinh nghiệm Học viện đã đạt được trong 60 năm qua trong công tác đào tạo, nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn, mà còn tìm ra được những định hướng mới trên cơ sở phát huy những cái đã làm được, chỉ ra những giải pháp khắc phục những cái chưa làm được, và cập nhật, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới để giúp cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nói chung và của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói riêng có thể tạo nên bước phát triển mới, với những thành tích to lớn hơn nữa, ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực âm nhạc đối với các quốc gia trong khu vực và vươn tới thế giới”.
GS.TS Trần Thu Hà - Nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận "Một vài suy nghĩ về hội nhập quốc tế trong đào tạo tài năng âm nhạc ở thời kỳ mới" tại Hội thảo.
Ông Anant Nakkong (bên trái) người Thái Lan - Giảng viên âm nhạc dân tộc học, Khoa âm nhạc trường Đại học Silpakorn; Giám đốc âm nhạc, nhóm C ASEAN Consonant trình bày tham luận "Một hướng đi mới của cộng đồng âm nhạc truyền thống các nước Đông Nam Á" tại Hội thảo.
Bà Mencía Manso de Zúniga - Tùy viên văn hóa, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam trình bày tham luận "Ngoại giao âm nhạc giữa Tây Ban Nha và Việt Nam" tại Hội thảo.
Ông Anant Nakkong (bên trái) người Thái Lan - Giảng viên âm nhạc dân tộc học, Khoa âm nhạc trường Đại học Silpakorn; Giám đốc âm nhạc, nhóm C ASEAN Consonant trình bày tham luận "Một hướng đi mới của cộng đồng âm nhạc truyền thống các nước Đông Nam Á" tại Hội thảo.
Bà Mencía Manso de Zúniga - Tùy viên văn hóa, Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam trình bày tham luận "Ngoại giao âm nhạc giữa Tây Ban Nha và Việt Nam" tại Hội thảo.
Tại Hội thảo, các vị đại biểu đã được nghe các nhà khoa học, nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước, nhạc sĩ, giảng viên đang trực tiếp giảng dạy tại Học viện tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: Đánh giá về thành tự và những mặt còn hạn chế trong đào tạo của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, giải pháp khắc phục, và những chuẩn bị cần thiết cho quá trình hội nhập; Tính cần thiết của sự vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy tiên tiến, có hiệu quả, sự ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và quản lý đào tạo; Làm rõ vai trò của các hoạt động nghiên cứu khoa học và biểu diễn (đặc biệt là biểu diễn thể nghiệm) đối với công tác đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp; Nhiệm vụ bảo tồn các giá trị nghệ thuật âm nhạc dân tộc và định hướng phát triển cho các chuyên ngành biểu diễn nhạc thuộc khoa Nhạc cụ truyền thống trong thời kỳ hội nhập; Quy trình phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc; những hành trang cần thiết của thí sinh Việt Nam khi tham dự các kỳ thi âm nhạc quốc tế; Rút kinh nghiệm về công tác tổ chức qua cac kỳ thi âm nhạc quốc tế, các festival tại Việt Nam và Học viện Âm nhạc; Liên kết đào tạo đồng thời mở rộng mối quan hệ quốc tế trên cả 3 lĩnh vực: Đào tạo, biểu diễn và nghiên cứu khoa học.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Với chức năng đào tạo đội ngũ biểu diễn; đội ngũ giảng dạy, lý luận, quản lý và nghiên cứu khoa học âm nhạc; tham gia mọi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc; góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cho cả nước, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã khẳng định vai trò cơ sở đào tạo nhân lực trong lĩnh vực âm nhạc lớn nhất của Việt Nam.
Lan Phạm