Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo khoa học quốc tế chủ đề: “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập”

30/11/2012 | 14:16

(VP) -  Ngày 29/11, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Cùng tham dự hội thảo có bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình; GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển. GS. TS. Lê Thị Quý, Viện trưởng viện nghiên cứu Giới và Phát triển, bà Fraule de Kort, Chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em UNICEF tại Việt Nam, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề gia đình.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, gia đình là một thiết chế xã hội cơ bản, là môi trường quan trọng nhất để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Nhưng hiện nay, trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi sâu sắc và đang đứng trước những khó khăn, thách thức cần giải quyết.


Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương cho biết, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, với tư cách là một trường đại học hàng đầu của Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về đề tài gia đình. Những năm gần đây, khi Bộ VHTTDL được Chính phủ quy định chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình, bên cạnh các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, nhà trường đã triển khai đào tạo môn Văn hoá gia đình và đang xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý nhà nước về Gia đình, tiến tới hình thành ngành Gia đình học.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương khẳng định, Hội thảo khoa học lần này được tổ chức nhằm mục đích nghiên cứu thực tại và xu hướng biến đổi của gia đình Việt Nam trong điều kiện của một thế giới hội nhập; tìm kiếm những giải pháp nhằm củng cố, ổn định và phát triển gia đình Việt Nam; chuẩn bị cơ sở lý luận cho việc xây dựng ngành Gia đình học ở Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được 74 tham luận của các chuyên gia và nhà nghiên cứu đến từ nhiều đơn vị, Trường đại học trong nước và quốc tế. Nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn và nêu được vấn đề của gia đình Việt Nam hiện nay như “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn nghiên cứu gia đình Việt Nam hiện nay” của GS.TS. Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, “Vấn đề giáo dục các giá trị truyền thống trong gia đình qua một số khảo sát xã hội học” của GS.TS. Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển; “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững“ của Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam; “Các mối quan hệ trong gia đình ở VN” của PGS.TS. Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, NGƯT Nguyễn Hồng Mai, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với những quan điểm về đa dạng kiểu loại gia đình - thực trạng và xu hướng khách quan của xã hội Việt Nam đương đại.


PGS-TS Nguyễn Văn Cương- Hiệu trưởng trường ĐHVH phát biểu tại Hội thảo

Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài cũng góp phần làm cho Hội thảo thành công với những ý kiến thiết thực trình bày trong tham luận “Ở rể: một giải pháp cho tư tưởng trọng nam và mất cân bằng giới tính?” của GS. Loes Schenk-Sanbergen, Đại học Amsterdam - Hà Lan; đặc biệt là Bà Frauke de Kort, Chuyên gia trong lĩnh vực Bảo vệ trẻ em - UNICEF tại Việt Nam với quan điểm về vấn đề Phát triển và bảo vệ trẻ em trong gia đình. Bà Frauke de Kort luôn nhấn mạnh đến quyền của trẻ em, quyền được cha mẹ lắng nghe, chăm sóc, được học hành và vui chơi. Việc các bậc cha mẹ lắng nghe, gần gũi với các em sẽ giúp trẻ em tránh được nhiều hiểm họa về bạo hành và đảm bảo quyền lợi để các em có điều kiện phát triển và trưởng thành tốt nhất.

Nội dung các tham luận tập trung vào một số vấn đề như: Nghiên cứu và đào tạo gia đình học: gồm những tham luận về những vấn đề đặt ra cho việc nghiên cứu lý luận về gia đình trong xu thế hội nhập và phát triển, một số phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu gia đình, cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng ngành Gia đình học tại Việt Nam, giới thiệu chương trình đào tạo ngành Gia đình học ở Hàn Quốc...;

Thực tại của gia đình: gồm các vấn đề về các lĩnh vực và chiều cạnh của gia đình như vai trò của các thành viên trong gia đình, việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình, hiện tượng ly hôn và tác động tiêu cực của nó tới con cái, động cơ tiến tới hôn nhân, mâu thuẫn thế hệ, bạo lực gia đình...

Sự biến đổi và tương lai của gia đình: các tham luận thuộc nhóm này tập trung nghiên cứu những biến đổi của gia đình trong điều kiện đô thị hoá và toàn cầu hoá như biến đổi trong đời sống văn hoá gia đình, biến đổi của hệ giá trị gia đình truyền thống... Nhiều tham luận phân tích nguy cơ và thách thức mà gia đình đang phải đối mặt trong điều kiện toàn cầu hoá, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát triển gia đình trong tương lai.


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Thực tại và tương lai của gia đình trong thế giới hội nhập” lần thứ 6 được Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức. Đây là dịp quy tụ các nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài, cùng bày tỏ quan điểm, bàn thảo về những vấn đề cốt lõi của gia đình Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Hội thảo đã đạt được những thành tựu đáng kể về khoa học, có những đóng góp lý luận thiết thực cho hệ thống nghiên cứu về gia đình tại Việt Nam. Đồng thời, hội thảo cũng đã làm sáng rõ nhiều vấn đề của thực tiễn đời sống gia đình hiện nay, làm cơ sở cho việc tìm kiếm giải pháp và hoạch định chính sách phát triển gia đình trong điều kiện hiện tại.  

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Bích Liên khẳng định, Bộ VHTTDL đặc biệt quan tâm đến công tác gia đình và đã có nhiều biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hiệu quả của công tác này. Nhiều đề án, đề tài nghiên cứu được ưu tiên, thực hiện theo lộ trình: giai đoạn 2010 - 2014 xây dựng chuyên ngành Quản lý Nhà nước về gia đình và văn hóa, Văn hóa học gia đình đào tạo tại ngành Quản lý văn hóa; từ năm 2015 - 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo để đưa vào triển khai, đào tạo thí điểm ngành Gia đình học, trình độ đại học ở Việt Nam.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×