Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”

29/04/2016 | 10:53

Ngày 28.4.2016, tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” nhằm mục đích đánh giá, tổng kết thành tựu của 30 năm văn học Đổi mới (1986-2016). Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Nguyễn Ngọc Thiện cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ và các nhà nghiên cứu đã tới dự.


Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, văn học là một thành tố quan trọng của văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa của mỗi dân tộc. Từ đó, nghiên cứu văn học, không chỉ nghiên cứu bản thân văn học, mà còn là nghiên cứu văn học trong mối liên hệ tổng thể của chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội.

Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước và 30 năm đổi mới, nền văn học Việt Nam đã có nhiều đổi thay và đạt được nhiều thành tựu mới, trong đó có đóng góp không nhỏ của những người cầm bút xuất hiện và trưởng thành từ sau 1975, khá nhiều trong số đó đã từng được đào tạo hoặc gắn bó với Khoa Viết văn - Báo chí (tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du). Đã đến lúc cần có sự tổng kết và đánh giá những thành tựu của giai đoạn văn học này nói chung và thế hệ nhà văn này nói riêng.

Về thế hệ nhà văn sau 1975, chính là một thế hệ được sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến, nhưng họ cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút và trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu dâng hoa trước tượng đài Hồ Chí Minh trong khuôn viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có một điều có thể khẳng định rằng thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người có đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc. Đã và sẽ còn có nhiều cách đánh giá văn học đổi mới. Song, theo tôi đánh giá văn học Đổi mới trước hết phải là những người thiết tha với sự nghiệp đổi mới văn học, những người muốn thấy văn học là văn học, là sự thể hiện các nguyên tắc nhân học và thẩm mĩ vốn có của nó, muốn thấy nền văn học Việt Nam sánh bước với văn học nhân loại, trong khi vẫn phát huy bản sắc dân tộc riêng, độc đáo, không thể nhầm lẫn của nó.

Thế hệ nhà văn sau năm 1975 cầm bút và sáng tạo vào thời điểm công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước do Đảng khởi xướng năm 1986. Vì thế, họ đã có được một tinh thần đổi mới mạnh mẽ, và trên thực tế đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn chương thấm đẫm tinh thần đổi mới cả về tư tưởng và nghệ thuật.
 
Bộ  trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bộ trưởng hy vọng rằng, Hội thảo này là một diễn đàn khoa học thực sự dân chủ, nơi quy tụ nhiều tiếng nói học thuật của các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, các trung tâm, viện nghiên cứu trên cả nước. Những vấn đề như đội ngũ, diện mạo, thành tựu, đóng góp và cả những hạn chế, những cơ hội và thách thức của thế hệ văn chương này cần được đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, khách quan và khoa học.

Bộ trưởng cũng hy vọng thông qua Hội thảo sẽ có được những gợi ý tốt của các nhà khoa học, các nhà văn, để giúp cho việc hoạch định chính sách văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn, nhằm góp phần đưa nền văn hóa, văn nghệ của đất nước có thêm nhiều tác phẩm, công trình và đề tài Cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới có giá trị tư tưởng nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ và khoa học, phản ánh chân thật, sinh động sâu sắc đời sống lịch sử, dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện hướng đến chân, thiện, mỹ. Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, thực sự soi đường cho quốc dân đi với tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

Trong 01 ngày làm việc, Hội thảo tập trung vào các chủ đề về Bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mới và sự xuất hiện của thế hệ nhà văn sau 1975 với những nhân tố tác động đến đời sống văn học và những chuyển biến về tư duy nghệ thuật, đội ngũ sáng tác và công chúng văn học; Những thành tựu văn học nổi bật về lực lượng phong trào; các chuyên ngành, tư tưởng nghệ thuật, về hệ giá trị mĩ học; Những hạn chế và giải pháp.
 
Đông đảo các nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu đã tới dự Hội nghị
Đã có 85 tham luận đến từ các trường đại học, cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài nước gửi về Hội thảo. Các tham luận tập trung nhận diện những đặc điểm, tiến trình vận động và thành tựu của thế hệ nhà văn sau 1975. Một phần trọng tâm khác của các tham luận là đi sâu phân tích, đánh giá nhiều vấn đề, hiện tượng, một số tác giả tác phẩm nổi bật của thế hệ nhà văn sau 1975.
Với tinh thần gợi mở, tạo diễn đàn bàn luận đa chiều, Hội thảo Thế hệ nhà văn sau 1975 đã thực sự thu hút nhiều góc nhìn, phương pháp tiếp cận khác nhau, đồng thời, đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu, kết luận hữu ích cho giới nghiên cứu và bạn đọc văn chương. Một số vấn đề bỏ ngỏ, chưa giải quyết thấu đáo trong Hội thảo cũng có thể thúc đẩy những khám phá, tìm biết kĩ lưỡng, chân xác hơn.

Cùng với các hoạt động chuyên môn chính, Hội thảo cũng đã hoàn thành cuốn sách "Thế hệ nhà văn sau 1975: Diện mạo và Thành tựu". Cuốn sách được Hội đồng khoa học của Hội thảo tuyển chọn, biên tập từ các tham luận, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.

Hội thảo diễn ra cả ngày 28.4.2016, chia làm hai phiên sáng và chiều, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - 418 La Thành, Đống Đa, Hà Nội.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×