Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập”

29/05/2013 | 14:13

(VP) - Sáng 29/5, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập”. Đây là hội thảo liên ngành, tập trung bàn về những vấn đề cốt lõi của hệ giá trị văn hóa Việt Nam từ nhiều góc độ để tìm ra giải pháp tiếp tục xây dựng vững chắc nền văn hóa Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thông qua tạo dựng, bồi đắp và gìn giữ hệ giá trị văn hoá của mình đóng một vai trò quan trọng với bất cứ một dân tộc, đất nước nào. Đó chính là sự khác biệt, căn cước, bản lĩnh của xã hội mà hệ giá trị đó tồn tại.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Từ nền tảng truyền thống, những giá trị văn hóa cổ truyền đã được bảo tồn và phát huy cho đến nay, đang tạo ra hệ giá trị văn hóa mới của thời hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta còn gặp vô vàn những mặt tiêu cực và thách thức.

Nhiều hệ giá trị truyền thống không còn phù hợp với bối cảnh của thời đại đang dần bị đào thải, mất đi. Nếu không, thì bản thân nó có những biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc tìm ra Hệ giá trị văn hóa Việt Nam; cấu trúc, phân loại hệ giá trị văn hóa; sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam, Bảo tồn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội; những giải pháp để phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam... là rất cần thiết, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Dẫu các nhà nghiên cứu, trong nhiều năm, đã cố gắng rút ra những đặc điểm có tính đặc trưng nhất về các giá trị của văn hóa Việt Nam, nhưng xem ra, tính thống nhất trong cách nhận diện về hệ giá trị văn hóa Việt Nam còn nhiều bất cập. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm thì hệ giá trị của một nền văn hóa "bao gồm toàn bộ những giá trị mà chủ thể dân tộc của nền văn hóa đó đã tích lũy được". Xin nói rõ thêm hệ giá trị văn hóa Việt Nam chính là những giá trị văn hóa trên mọi lĩnh vực: văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội... do con người Việt Nam đúc kết lại trong quá khứ; nhiều giá trị liên kết với nhau tạo thành hệ thống. Hệ thống giá trị văn hóa này lại điều chỉnh, chi phối cách sống của con người đương đại. Trên phương diện lý thuyết, hệ thống cơ bản là có tính ổn định, nhưng thực tế, nhiều khi hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định phù hợp với bối cảnh mới.

Khoảng trên dưới 10 năm, sau khi thống nhất đất nước, những giá trị văn hóa xưa vẫn còn đủ sức ước chế các thành viên trong cộng đồng xã hội Việt Nam. Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau đã tác động mạnh mẽ đến việc tiếp thu, lược bỏ, hình thành giá trị văn hóa, thậm chí làm đảo lộn các giá trị văn hóa trên mọi lĩnh vực. Vậy, nguyên nhân đó là gì, từ đâu dẫn đến, và tác động của nó ra sao?... đó là cũng là một trong những lý do Bộ VHTTDL, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo này, để được nghe các nhà khoa học, các nhà quản lý bàn về vấn đề lý luận, thực tiễn nhằm xác định rõ hơn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập.


Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, đã có 12 ý kiến của các lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa, các nhà khoa học tập trung bản thảo một số vấn đề như: Quan niệm về hệ giá trị văn hóa Việt Nam; Cấu trúc, phân loại hệ giá trị văn hóa Việt Nam; Sự chuyển đổi giá trị trong văn hóa Việt Nam; Bảo tồn hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong phát triển xã hội; Điều kiện, giải pháp phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế, Hệ giá trị văn hóa và việc tôn vinh bản sắc dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa; Sự biểu hiện của hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong một số lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thời kỳ đổi mới...

Nhìn chung các tham luận này đã phản ánh được những vấn đề xung quanh hệ giá trị văn hóa Việt Nam trước thách thức của bối cảnh đổi mới, hội nhập. Để từ đó, nắm bắt những mặt tích cực, tiêu cực trong quá trình biến đổi văn hóa Việt Nam và đề ra giải pháp nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bên cạnh những tham luận được trình bày trực tiếp, Hội thảo cũng đã nhận được 46 bản tham luận của các nhà nghiên cứu văn hóa trên cả nước gửi về. Trong đó có 16 bản tham luận đề cập trực diện đến vấn đề chung về hệ giá trị văn hóa Việt Nam và 30 bản tham luận đề cập tới giá trị văn hóa Việt Nam ở những lĩnh vực và loại hình văn hóa nghệ thuật cụ thể. Các tham luận này sẽ được tổng hợp, tiếp thu và đưa vào kỷ yếu của Hội thảo, góp phần soi chiếu rộng hơn ở tầm xã hội, tác động trực diện hơn tới việc tìm hệ giá trị văn hoá, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×