Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo góp ý cho dự thảo “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”

29/07/2015 | 17:16

Ngày 28/7 tại Thư viện Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội thảo góp ý cho dự thảo “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030”. Đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã tới dự.


Toàn cảnh Hội thảo


Báo cáo về dự thảo Đề án, TS Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VHTTDL nhấn mạnh: Đề án được xây dựng nhằm mục đích hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lại, chú trọng tần lớp thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó sẽ điều chỉnh các biểu hiện lệch lạc, hình thành thị hiếu lành mạnh, góp phần xây dựng con người có nhân cách, có tri thức, có kỹ năng sống. Các cơ quan Nhà nước, cơ sở đào tạo, thư viện và gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người dân đọc sách, xây dựng môi trường đọc thân thiện.

Dự thảo Đề án đưa ra mục tiêu cần đạt được vào năm 2020 bao gồm: phấn đấu 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, có ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện; 50% thư viện cấp huyện có trụ sở độc lập, có kinh phí đảm bảo cho hoạt động; 30% xã có thư viên cấp xã với vốn tài liệu phong phú; 30% thôn, bản có phòng đọc sách của cộng đồng để việc luôn chuyển sách và sử dụng sách hiệu quả; 90% trường phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp có thư viện với những sách báo hợp với cấp độ đào tạo; 60% thư viện trường phổ thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo; 30% gia đình có tủ sách; mức bình quân đạt 0,8 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện cộng đồng; mức hưởng thụ sách báo tên đầu người dân đạt 6 bản/người.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong dự thảo Đề án là tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và dư luận xã hội về văn hóa đọc; qua đó để phát triển văn hóa đọc trong xã hội. Cụ thể, để nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân cần có sự chung tay của toàn xã hội. Về phía Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho hệ thống thư viện để hình thành môi trường đọc hiện đại, với nhiều tài liệu phong phú có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của nhiều đối tượng đọc khác nhau cũng như khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển văn hóa đọc. Về phía các Nhà xuất bản, cần phát hành những cuốn sách hay, chất lượng, có giá trị khoa học, nhân văn cao, có khả năng hấp dẫn với bạn đọc, tránh chạy theo lợi nhuận hoặc theo thị hiếu của thị trường…

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia góp ý cho nội dung Dự thảo Đề án, trong đó các đại biểu cho rằng, cần đặt vấn đề đọc sách trong dòng chảy của nền kinh tế, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, dư luận xã hội về văn hóa đọc, qua đó để phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương và đơn vị công tác, các đại biểu đã chia sẻ những giải pháp để triển khai, thực hiện văn hóa đọc đạt hiệu quả như: Nên đưa tủ sách vào tiêu chí Gia đình văn hóa, Làng văn hóa/Khu phố văn hóa. Nhân rộng chủ trương Tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp đến tất cả các lớp học trên toàn quốc. Trong tiêu chí thư viện, mở rộng hệ thống thư viện đến từng lớp học, học sinh phải được mượn sách đưa về nhà; đưa tiết đọc sách vào chương trình học; gắn liền đọc sách của học sinh vào nhiệm vụ của hiệu trưởng và thầy cô giáo… Cần đẩy mạnh giáo dục, trang bị các kiến thức, kỹ năng đọc, định hướng, xu hướng đọc lành mạnh, bổ ích trước hết đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Đưa nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng đọc, kiến thức thông tin và sử dụng thư viện thành nội dung chính thức, bắt buộc trong chương trình học của các cấp từ tiểu học đến đại học. Hình thành bộ tài liệu hướng dẫn phương pháp và kỹ năng đọc theo từng trình độ giáo dục….

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×