Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hoá thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”

09/05/2025 | 14:41

Sáng 9/5, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch phối hợp với Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình phát triển”.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo làm rõ lợi thế, cơ hội của Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa cũng như vai trò quan trọng của công nghiệp văn hóa trong thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển.

Dự hội thảo, có đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Jonathan Wallet Baker, Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cục Điện ảnh Việt Nam; Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Về phía tỉnh Ninh Bình, dự Hội thảo có các đồng chí: Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hoa Lư; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lữ hành; phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương…

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại Hội thảo.

Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Ninh Bình là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, phong phú, trên nền cảnh quan đặc sắc, kết tinh bề dày lịch sử văn hóa nhân loại và dân tộc Việt Nam, nơi từng là Kinh kỳ - Đô hội. Dựa trên những lợi thế đó, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành "công nghiệp không khói" một cách mạnh mẽ, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn giúp cho du lịch Ninh Bình thăng hoa phát triển.

Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở để Ninh Bình luôn kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "Xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, du lịch Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế. Năm 2024, Ninh Bình đón 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% kế hoạch; doanh thu đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo hài hòa giữa khai thác và bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tỉnh Ninh Bình xác định cần tiếp tục đánh thức kho di sản văn hoá, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hóa bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, báo chí có vai trò quan trọng là cầu nối giữa chính sách và công chúng, giữa di sản và thị trường. Với năng lực truyền thông mạnh mẽ, sự dẫn dắt dư luận và khả năng lan tỏa những giá trị tích cực, báo chí là lực lượng tiên phong trong việc kiến tạo không gian văn hoá, nâng cao nhận thức cộng đồng, cổ vũ các mô hình sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào di sản của người dân. Đặc biệt, Báo Tiền Phong với truyền thống 70 năm đồng hành, phát triển không những làm tốt vai trò phản ánh thông tin mà còn tiên phong kết nối trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ sỹ và nhà quản lý.

Với ý nghĩa đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, trao đổi để đưa ra các giải pháp mang tính đột phá dựa trên nền tảng công nghiệp văn hóa, tạo động lực cho du lịch Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. Từ đó để tỉnh định hướng các chính sách, chiến lược dài hạn phù hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 3.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền phong phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền phong cũng cho rằng, để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao, đạt được những thành tựu mới, cần một "cú hích", một đòn bẩy chiến lược - và đó chính là công nghiệp văn hóa.

Tại Ninh Bình, tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa được các chuyên gia nhận định là rất lớn. Chúng ta có các làng nghề truyền thống như thêu ren Văn Lâm, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, hát chèo, xẩm, ca trù; có những truyền thuyết dân gian gắn với vua Đinh - vua Lê có thể trở thành kịch bản sân khấu hóa đặc sắc…

"Khi công nghiệp văn hóa được lồng ghép và phát triển song hành cùng du lịch, chúng ta không chỉ dựa vào cảnh quan, mà còn giới thiệu những câu chuyện, bản sắc, linh hồn của vùng đất đó. Đó chính là cách để Ninh Bình khác biệt, độc đáo và ghi dấu trong lòng du khách" - nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho hay.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 4.

Đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo.

Ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Sở Du lịch Ninh Bình cũng như Báo Tiền Phong, đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Hội thảo không chỉ là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa thực tiễn cao, mà còn là một bước đi cụ thể trong tiến trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Thông qua Hội thảo chúng ta cùng nhau suy nghĩ sâu hơn về cách phát triển du lịch bền vững, có chiều sâu và mang đậm bản sắc Việt.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình trong việc thể chế hóa các định hướng phát triển công nghiệp văn hóa gần với du lịch. Bộ sẽ hỗ trợ về mặt chính sách, kết nối nguồn lực đầu tư, tư vấn chuyên môn và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức văn hóa, mạng lưới sáng tạo trong và ngoài nước vào các dự án cụ thể của tỉnh.

Để Hội thảo thu được nhiều kết quả, đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ thẳng thắn, có trách nhiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn. Trong đó, tập trung vào các giải pháp như tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm du lịch văn hoá, xây dựng sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc trưng theo vùng miền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế…

Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch Ninh Bình

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 5.

Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận "Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch".

Sau phiên khai mạc, Hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh" tiếp tục với hai phiên thảo luận "Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch" và "Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch".

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Trong nhiều thập kỷ qua, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả tiềm năng di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, nghệ thuật đặc sắc để phát triển du lịch. Các cấp, các ngành, địa phương luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 6.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch phát biểu tại Hội thảo.

Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt tập trung vào việc khai thác tài nguyên tự nhiên và di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Ninh Bình trở thành điểm du lịch nổi bật trên bản đồ quốc gia và quốc tế, với Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đầu tiên của Việt Nam. Tỉnh cũng là bối cảnh của nhiều bộ phim lớn như Kong: Skull Island, Indochina (Đông Dương), Người Mỹ trầm lặng…, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới.

Lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng đều qua các năm, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, lưu trú và dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, với nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhà hàng và trung tâm đón tiếp du khách đạt chuẩn quốc tế. Các loại hình du lịch sinh thái, tâm linh, lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch làng nghề được phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Ninh Bình đang đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định du lịch và công nghiệp văn hóa là hai lĩnh vực trọng tâm, tạo động lực lan tỏa cho các ngành khác. Đây là dịp để cùng nhìn lại chặng đường phát triển du lịch, đánh giá tiềm năng, thách thức và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả giá trị di sản, thiên nhiên, đưa du lịch-công nghiệp văn hóa trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững.

Dựa trên những gợi mở của Ban Tổ chức, tại hội thảo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung đánh giá thực trạng, kết quả, tồn tại và nguyên nhân hoạt động công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình; đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa; kiến nghị các giải pháp thúc đẩy công nghiệp văn hóa làm động lực cho du lịch…

* Tại phiên thảo luận thứ nhất "Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch", các đại biểu đã trao đổi, làm rõ tiềm năng, lợi thế của Ninh Bình để khai thác phát triển công nghiệp văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Jonathan Wallet Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nhận định, Ninh Bình là vùng đất đặc biệt không chỉ được tôn vinh vì những giá trị nổi bật toàn cầu mà còn là một nơi có cảnh quan vô cùng sống động, có cộng đồng địa phương gắn bó sâu sắc với các tài nguyên tự nhiên và văn hóa.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 7.

Ông Jonathan Wallet Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Để phát huy các ngành văn hóa sáng tạo, tận dụng di sản Tràng An làm nền tảng cho đổi mới và tăng trưởng kinh tế cần phát triển các tuyến du lịch văn hóa theo chủ đề và du lịch nông thôn nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của Ninh Bình vượt ra ngoài các điểm đến quen thuộc. Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hóa do cộng đồng dẫn dắt, đảm bảo phân chia lợi ích một cách công bằng.

Tham luận hội thảo với nội dung "Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - "đòn bẩy mềm" để du lịch Ninh Bình cất cánh", PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng: Muốn du lịch cất cánh, Ninh Bình cần phải dựa vào "đòn bẩy mềm" từ sức hấp dẫn của các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Ngược lại, muốn định vị được thương hiệu công nghiệp văn hóa địa phương, Ninh Bình cần phải trở thành điểm đến hàng đầu thu hút du lịch.

Quá trình này sẽ thành công nếu các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như du lịch tạo được sức lôi cuốn du khách tham gia vào hành trình khám phá những câu chuyện văn hóa in sâu trong ký ức, chạm vào cảm xúc hay bùng nổ về độ hiếu kỳ, hoặc giản đơn là sự mộc mạc, tinh tế được chuyển tải trong từng sản phẩm hay dịch vụ công nghiệp văn hóa tại các điểm đến mang đậm dấu ấn của vùng đất "địa linh, nhân kiệt".

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung làm rõ các nội dung như: Vị thế của Ninh Bình trong tứ giác của đồng bằng sông Hồng; Phát triển thương hiệu du lịch văn hóa cho Ninh Bình. Đồng thời thông qua chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách thông qua công nghiệp văn hóa ở Hàn Quốc và một số địa phương, đại biểu đã đề xuất các các giải pháp cho Ninh Bình.

* Tại phiên thảo luận thứ hai, "Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch", các đại biểu tập trung chia sẻ những giải pháp để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh.

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 8.

Các đại biểu chủ trì phiên thảo luận "Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch".

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đề xuất trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Ninh Bình nên lựa chọn những lĩnh vực là thế mạnh nhất để tập trung khai thác, phát triển. Ninh Bình nên đi tập trung khai thác trung tâm trường quay, thu hút các nhà làm phim trong nước và quốc tế; thứ hai là phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn với những sân khấu thực cảnh được tổ chức định kỳ.

Đồng tình với quan điểm này, Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn là loại hình mũi nhọn, có thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch. Bên cạnh sức hút của thiên nhiên thì các show diễn lớn sẽ mang tính hiệu triệu, thu hút đông đảo du khách, nhân dân.

Tuy nhiên, để tổ chức thành công các show diễn lớn, theo Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Ninh Bình cần có những cơ chế, chính sách riêng, mang tính đặc trưng, đặc thù nhằm thu hút các đơn vị sản xuất chương trình hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái tổng hợp phát triển hài hòa, tương hỗ giữa các lĩnh vực của công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, đại biểu, một số vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thuế, thủ tục cấp phép, thời gian cấp phép… đã và đang khiến cho việc thu hút, tổ chức các chương trình nghệ thuật lớn hay các đoàn làm phim trong nước và quốc tế gặp khó khăn khi thực hiện dự án tại Việt Nam.

Vì vậy, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa một cách toàn diện, hiệu quả, trở thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh, theo các đại biểu, tỉnh cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch; ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong phát huy thế mạnh giàu có tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản đô thị của Ninh Bình bằng các sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân địa phương; gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; "thổi hồn", "nâng chất" các sản phẩm văn hóa, du lịch…

Hội thảo “Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” - Ảnh 9.

Đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch phát biểu bế mạc Hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, sau một thời gian làm việc khẩn trương, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp quý báu, quan trọng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Đây là những tư vấn quan trọng để Ninh Bình tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế, lan tỏa các giá trị đặc sắc của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị các ngành du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí trên thế giới. Ban Tổ chức tiếp thu các ý kiến, chia sẻ và tổng hợp, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để tiếp tục phát triển công nghiệp văn hoá, đưa công nghiệp văn hoá, du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×