Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo “Định vị Thương hiệu Du lịch Việt Nam”

23/08/2013 | 09:20

(VP) - Ngày 22/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Định vị Thương hiệu Du lịch Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có 200 đại biểu trong nước và quốc tế, lãnh đạo Tổng cục Du lịch và các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện các Sở VHTTDL, các Bộ, ngành, địa phương liên quan; doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về du lịch.


Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện “Chiến lược Maketing của du lịch Việt Nam” do Dự án ESRT của EU hỗ trợ cũng như hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp du lịch nói riêng; định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch.

Tại Hội thảo đa số các ý kiến của các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng của ngành du lịch hiện nay trong bối cảnh du lịch trong nước và quốc tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng thời, thương hiệu du lịch là tài sản quốc gia, vì vậy việc xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia là một nhiệm vụ hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Việc tạo dựng thương hiệu điểm đến được nhìn nhận như một đòn bẩy quan trọng trong khai thác tiềm năng du lịch của mỗi địa phương, mỗi vùng, mỗi quốc gia.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam luôn ở thứ hạng thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Singapore và Trung Quốc…. Nên ngành du lịch cần đưa ra và thực hiện những giải pháp cụ thể như xác định các nội dung trọng tâm của du lịch Việt Nam, triển khai công tác xúc tiến và quảng bá du lịch một cách chuyên nghiệp, hiệu quả nhất, gắn liền với việc thúc đẩy thực hiện du lịch tại các vùng du lịch, quan tâm đến việc thực hiện năng lực du lịch và quản trị du lịch.

Trong một ngày làm việc, Hội thảo đã nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các tham luận mang tính định hướng và lý luận, một số kinh nghiệm phát triển thành công thương hiệu du lịch trong nước và trên thế giới, trong đó có các chủ đề như: “Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”, “Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch trong chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020”, “Kinh nghiệm của TP.HCM trong công tác xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch”, “Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu lữ hành Saigontourist”, “Ẩm thực du lịch Việt và khả năng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trên toàn cầu”...

Bên cạnh đó, hội thảo đã tiến hành thảo luận theo 4 nhóm chuyên đề gồm: (1) Vai trò và định vị thương hiệu điểm đến du lịch, (2) Các giải pháp định vị, phát triển thương hiệu doanh nghiệp du lịch, (3) Các giải pháp định vị, phát triển thương hiệu sản phẩm du lịch, (4) Giải pháp về quản trị và quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam. Qua thảo luận chuyên đề, các ý kiến của các nhóm sẽ được tổng hợp lại để đề xuất các giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×