Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp”

18/12/2011 | 18:42

(VP)- Sáng 17/12, Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam- Thực trạng và giải pháp” đã diễn ra sôi nổi tại Phú Yên trong khuôn khổ những hoạt động của LHP Việt Nam lần thứ 17. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, lãnh đạo Cục Điện ảnh… cùng hơn 300 đại biểu là nghệ sĩ, các nhà quản lý, các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim và những người hoạt động điện ảnh.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Cục Phó phụ trách Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan phát biểu: “Thực trạng điện ảnh là vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của các nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh, báo chí truyền thông và dư luận xã hội. Trong mấy tháng qua, nhiều  nghệ sĩ bày tỏ sự lo lắng, trăn trở…”


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng đưa ra một thông tin do ông Frank S.Rittman-Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Motion Picture Association International: cách đây 10 năm, doanh thu của điện ảnh Việt Nam là 2 triệu USD/năm, còn năm ngoái 2010 là 26 triệu USD. “Như vậy, trong 10 năm, doanh số điện ảnh tăng gấp 13 lần. Vấn đề là doanh số ấy vào đâu, có tác dụng tái đầu tư hay thúc đẩy ĐAVN như thế nào thì chưa có lời giải đáp”.

Tại Hội thảo, BTC đã nhận được 12 ý kiến tham luận, đưa ra những ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu cho điện ảnh nước nhà.

Đạo diễn, NSND Huy Thành cho rằng: “Để cứu nền điện ảnh Việt không bị xâm lấn bởi điện ảnh ngoại nhập, cần đưa ra chính sách phát động người Việt xem phim Việt!” Bên cạnh đó, ông cho rằng cần chú ý đến khâu tiếp thị quảng cáo cho bộ phim để thu hút khán giả đến xem.

Trong bản tham luận “Tìm những giải pháp cho nền ĐAVN dân tộc và hiện đại”, NSND Nguyễn Hải Ninh cho rằng, mô hình Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp (CNC) đáng được nghiên cứu hơn cả để tìm ra mô hình cho ĐAVN. CNC đề ra quy chế và tham gia hỗ trợ  tài chính cho điện ảnh Pháp và có khoảng 50 quy chế hỗ trợ luôn được cải cách cho phù hợp với từng thời kỳ. Ông cũng cho biết, Pháp đã kết hợp truyền hình với điện ảnh và hàng năm, truyền hình Pháp “rót” gần 70% ngân sách cho CNC.


Bà Ngô Phương Lan- Cục Phó phụ trách Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội thảo

Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm thì cho rằng một trong những điều cần làm để ĐAVN phát triển là “xóa nhòa ranh giới giữa hãng phim Nhà nước và hãng phim tư nhân”. Được  như vậy, công cuộc xã hội hóa điện ảnh mới có thể đi vào bản chất và làm cho nền điện ảnh nước nhà có những bước chuyển mình bất ngờ.

Phó Chủ tịch thường trực Hội ĐAVN Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đồng quan điểm trên: “Không nên phân biệt hãng tư nhân hay hãng của Nhà nước nếu hãng đó có kịch bản tốt, phù hợp yêu cầu về đề tài và thể loại”.Bà Ngát cho rằng, trong giai đoạn trước mắt, nguồn lực từ Nhà nước vẫn phải là chủ đạo.

Bày tỏ sự xúc động khi lần đầu tiên, các lãnh đạo cao nhất của Bộ VHTTDL: Bộ trưởng và Thứ trưởng đều tham dự cuộc hội thảo tìm hướng đi cho điện ảnh nước nhà, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng thị trường điện ảnh nội địa những năm gần đây trưởng thành hơn nhờ các phim tư nhân. Bên cạnh đó, bà Nhã cho rằng “Đã có thưởng phải có phạt, phải có cá nhân chịu trách nhiệm nếu bộ phim sản xuất bằng ngân sách Nhà nước không có đạt chuẩn chất lượng, tư tưởng…” Những người “chịu phạt” nếu không làm tốt theo bà Nhã là những người duyệt kịch bản, duyệt phim, người điều hành sản xuất, bộ phận biên tập. Bà Nhã cũng cho rằng cần phải đào tạo các nhà biên tập để họ biết tiêu chí một bộ phim đạt chuẩn.

Kết luận tại hội thảo, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã phát động các hãng phim Nhà Nước, tư nhân cùng đóng góp cho Quỹ hỗ trợ điện ảnh. Ý kiến này đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng nhiệt liệt của các nghệ sĩ, các nhà làm điện ảnh tại hội thảo. Các đại diện của tỉnh Phú Yên, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Vina Cinema,  phim truyện Việt Nam, Trung tâm điện ảnh thể thao du lịch, Galaxy, hãng phim Thiên Ngân, hãng phim Lý Huỳnh… đã có những đóng góp bước đầu cho quỹ.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta không phân biệt phim tư nhân và phim nhà nước, mà do chất lượng kịch bản, chất lượng phim quy định giải thưởng.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp nhận sự ủng hộ Quỹ hỗ trợ điện ảnh của các đơn vị

Bộ trưởng giao Cục Điện ảnh soạn thảo Chiến lược điện ảnh, sau đó tổ chức hội thảo các miền lấy ý kiến đóng góp. Bộ trưởng cũng quyết định sẽ thành lập Hội đồng Tư vấn điện ảnh trong thời gian tới, thành viên là những NSND, đạo diễn, biên kịch nổi tiếng các thế hệ… Từ nay đến Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 tại Quảng Ninh, ngành điện ảnh phải báo cáo những kết quả đã làm được sau hội thảo lần này.

Về vấn đề đào tạo nhân lực, Bộ đã có quyết định Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bộ sẽ quan tâm đến vấn đề đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là đào tạo sau đại học. Bộ trưởng cũng cho rằng, phía Hội cần tổ chức nhưng trại sáng tác điện ảnh, đi thực tế nước ngoài, mời các chuyên gia nước ngoài về trao đổi kinh nghiệm…

Thời gian tới, Bộ cũng có cuộc làm việc với Hội điện ảnh Việt Nam về vấn đề phối hợp giữa truyền hình và điện ảnh. Ngành sẽ tổng rà soát lĩnh vực phát hành phim, tổng kiểm kê các cơ sở vật chất các đơn vị điện ảnh.

Bộ trưởng lưu ý, các nhà làm phim cần quan tâm đến xu thế số hóa của điện ảnh hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh đến việc phải tăng cường công tác phổ biến phim, tiếp thị quảng bá giới thiệu tới công chúng cũng như việc xây dựng rạp, đưa các rạp tới các tỉnh miền sâu miền xa…

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×