Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo "Công tác quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp"

10/06/2010 | 21:12

Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), ngày 2 tháng 6 năm 2010, tại thành phố Hải Dương, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức hội thảo "Công tác quản lý lễ hội ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp".

Đến dự hội thảo có GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đại diện Lãnh đạo một số cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL như Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Pháp chế, một số Lãnh đạo Sở VHTTDL, Phòng Văn hóa và Ban quản lý di tích các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh ... và các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu về lễ hội.

Sau khi GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ trình bầy báo cáo đề dẫn, hướng hội thảo tập trung bàn về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội dân gian - loại hình lễ hội quan trọng và chiếm tỷ lện lớn trên tổng số lễ hội ở Việt Nam (theo báo cáo mới đây nhất của Cục Văn hóa cơ sở, hiện cả nước có 7.039 lễ hội dân gian trên tổng số 7.966 lễ hội, chiếm 88,36 %). 

Hội nghị đã nghe một số báo cáo chuyên đề của các nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa về :công tác tuyên truyền lễ hội, Bảo vệ di sản lễ hội dân gian, Một số nhận thức về lễ hội truyền thống, Một số ý kiến về việc tổ chức và quản lý lễ hội dân gian và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương.  Hội thảo đã dành nhiều thời gian cho đại biểu thảo luận sâu về những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, trong phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh một số vấn đề đã được hội nghị thảo luận và thống nhất:

- Lễ hội dân gian - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể làm nên sự đa dạng văn hóa và không thể thiếu trong đời sống nhân dân cần phải được bảo tồn bằng nhiều hình thức và biện pháp;
- Thực tế việc quản lý và tổ chức lễ hội còn một số tồn tại như báo chí và dư luận đã phản ánh, cần sớm khắc phục; công tác quản lý chưa theo kịp với thực tiễn;
- Hiện nay đang có xu hướng đua nhau nâng cấp lễ hội bằng cách tùy tiện thêm vào các thành tố xa lạ với lễ hội hay tập quán của cộng đồng, vừa tốn kém, vừa làm giảm giá trị chân thực, trần tục hóa và đơn điệu hóa, thậm chí làm biến dạng lễ hội.

Các đại biểu cũng nhất trí cao 09 giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức lễ hội như:

1. Tập trung vào công tác ban hành văn bản quy định việc phân cấp và phân quyền quản lý lễ hội;

2. Tăng cường đổi mới nội dung cũng như phương thức giới thiệu, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như cán bộ về lễ hội;

3. Đẩy mạnh công tác kiểm kê, phân loại và quy hoạch lễ hội nhằm quản lý và có kế hoạch bảo vệ, nhất là với lễ hội dân gian;

4. Công tác phục hồi lễ hội phải dựa trên các tiêu chí khoa học để đảm bảo không làm sai lệch lễ hội;

5. Nâng cao năng lực và sự phối hợp liên ngành;

6. Nâng cao vai trò phản biện của các nhà khoa học và các Hội;

7. Có hướng dẫn về việc sử dụng nguồn thu của di tích;

8. Xây dựng một số mô hình thí điểm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở và có biện pháp xử phạt nghiêm minh các sai phạm trong tổ chức lễ hội.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thảo, những kết quả thu được từ việc tổ chức Hội thảo này có ý nghĩa thiết thực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở địa phương, làm cơ sở để xây dựng báo cáo cho Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội sắp tới.

(Theo Cục Di sản văn hóa: dch.gov.vn)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×