Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang

27/01/2018 | 11:26

Sáng 27/1, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc phối hợp tổ chức Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tại Hà  Nội.


Tham dự Hội thảo có TS Bùi Thế Đức – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS Phan Trọng Hưởng – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật  Trung ương; Nhà văn Đỗ Kim Cuông – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Nhà viết kịch Thanh Hương – Nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Giáo dục và Nhi đồng Quốc hội; NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; GS Hoàng Chương – Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc….

Toàn cảnh Hội thảo 100 năm nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. Ảnh: Gia Linh

Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sinh ngày 01/05/1917 tại Phước Sơn, Tuy Phước , Bình Định. Trong nhiều thập kỷ qua Mịch Quang được coi là một trong những nhà nghiên cứu và tác giả sân khấu hàng đầu của đất nước. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng những Giải thưởng, Huân chương lao động cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

NSND Lê Tiến Thọ đánh giá, soạn giả Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được những thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống Việt Nam với các công trình nghiên cứu như “Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng “ (1963), “Đặc trưng nghệ thuật Tuồng” (1988), “Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc” (1995), “Kinh dịch và Nghệ thuật Truyền thống” (1999), “Khơi nguồn mỹ học dân tộc” (2003). Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của hậu tổ Tuồng Đào Tấn trên văn đàn miền Bắc, và trong suốt nửa thế kỷ qua, tiếp tục có những nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn.

Mịch Quang còn là tác giả xuất sắc của nghệ thuật sân khấu với những tác phẩm tuồng như “Đường về Lam Sơn”, “Bà mẹ Làng Sen”, “Má Tám”, “Hộp truyền đơn”, “Vua Hùng kén rể”, “Quang Trung”, “Thanh Gươm hát bội”…

GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc. Ảnh: Gia Linh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu nghệ thuật và sáng tác kịch bản Tuồng của Mịch Quang, một nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc Việt Nam, một nhà soạn Tuồng Việt Nam xuất sắc đã hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Hồ Chí Minh và đích đáng xứng danh với tên của một trong hai cuốn sách, đủ chuẩn đánh giá là cần và đủ cho ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 với tựa đề “Khơi nguồn mỹ học dân tộc”.

Trong đại gia đình sân khấu và nghệ thuật truyền thống dân tộc, có lẽ nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang là người cao niên nhất còn trụ lại với đời, và hôm nay, ở tuổi 100 ông đang hiện diện như một biểu tượng về sự trường tồn của nghệ thuật dân tộc, trích lời GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×