Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 60 năm đồng hành cùng dân tộc

09/12/2017 | 12:37

Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, ngày 7/12, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức  Hội thảo “60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” tại Hà Nội.


Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Đại tá, NSƯT Nguyễn Công Bảy – Phó Cục trưởng Cục Công tác Chính trị Công An Nhân dân; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhà LLPB Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; đại diện lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; cùng đông đảo các, các nhạc sĩ, các giáo sư, nhà nghiên cứu...

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá khách quan, khoa học thành tựu trên các lĩnh vực âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; khẳng định vai trò, vị trí của giới nhạc sĩ trong đời sống âm nhạc, văn hóa của đất nước. Đây cũng là dịp để tôn vinh, cổ vũ những người hoạt động âm nhạc Việt Nam tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng dân tộc, đề xuất các giải pháp phát triển âm nhạc nước ta trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Nhã/Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, “Nền âm nhạc mới Việt Nam đã có bề dày lịch sử ngót 90 năm kể từ khi xuất hiện ca khúc cùng nhau đi Hồng Binh của nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu năm 1930. Đến năm 1943, Đề cương Văn hóa của Đảng do đồng chí Trường Chinh biên soạn với phương châm “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng” đã làm kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác và biểu diễn âm nhạc, đã có hàng ngàn tác phẩm âm nhạc từ ca khúc, hợp xướng, kịch hát, nhạc không lời, nhạc kịch, giao hưởng, vũ kịch và các thể loại khác, đã được các nhạc sĩ sáng tác trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt là sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 và thời kỳ đổi mới.” 

60 năm qua âm nhạc Việt Nam tiếp tục truyền thống của những thập kỷ trước, dòng chảy chính, dòng chủ lưu của âm nhạc Việt Nam vẫn là bắt nguồn từ mạch nguồn dân tộc, gắn liền với dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa yêu nước, ca ngợi cuộc sống lao động sáng tạo của nhân dân, ôn lại lịch sử hào hùng của đất nước, ca ngợi tình yêu tuổi trẻ, tình yêu đất nước con người, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập ngày 30/12/1957, tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7/1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đến ngày hôm nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trải qua 60 năm, với tổng cộng 1.400 hội viên trên khắp mọi miền đất nước. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã để lại một kho tàng âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị, đóng góp vào kho tàng văn hóa chung của cả dân tộc.

Với các tham luận như, TS. Doãn Nho với “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đề tài xuyên suốt 60 năm qua của giới nhạc sĩ, trong đó có nhạc sĩ quân đội”; Nhạc sĩ Cát Vận với “Âm nhạc cách mạng và báo chí”; nhạc sĩ Hoàng Long – Hoàng Lân với “Âm nhạc cho thiếu nhi - Thực trạng, quá khứ và tương lai”; PGS.TS.Vũ Tự Lân với “Những vấn đề về Lý luận phê bình âm nhạc 60 năm qua, tiếp thu nền lý luận thế giới”; NCS âm nhạc Kanoh Haruka (Nhật Bản) với “Mối quan hệ Việt – Nhật 60 nay trong lĩnh vực âm nhạc”… các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận về xu hướng đời sống âm nhạc hiện nay, trong bối cảnh hội nhập diễn ra trên toàn thế giới.

Qua đó, đưa đến một cái nhìn tổng quát về sự vận động không ngừng nghỉ của dòng chảy âm nhạc Việt Nam trong dòng chảy âm nhạc thế giới. Đồng thời, đưa ra những ý kiến, những giải pháp trong việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ hôm nay./.

Gia Linh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×