Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm văn hoá du lịch tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam

20/04/2012 | 11:30

(VP) - Sáng 19/4, trong khuôn khổ Liên hoan Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng sản phẩm văn hoá du lịch tại Làng văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch; Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các công ty lữ hành, các doanh nghiệp và nhiều nhà đầu tư.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam - trung tâm văn hoá, thể thao và du lịch có quy mô quốc gia, nơi tập trung tái hiện, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam, giới thiệu với du khách và bạn bè quốc tế về đất nước, con người và bản sắc văn hoá Việt Nam đã, đang được Nhà nước tập trung đầu tư và cùng các doanh nghiệp đầu tư, hoàn thiện theo mô hình một công viên chuyên đề, một tổ hợp văn hoá, thể thao và du lịch quy mô lớn, là trọng tâm, trọng điểm góp phần phát triển du lịch Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định rất rõ lộ trình xây dựng Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh quan điểm thực hiện xã hội hoá, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách đề đầu tư, xây dựng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư, xây dựng với quản lý, khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của Dự án.


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Nhấn mạnh các thủ tục, điều kiện hạ tầng đã rất thuận lợi và sẵn sàng, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, hợp tác của các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư nhằm hoàn thiện, tổ chức hoạt động, phát triển du lịch, phát huy hiệu quả Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam và vì lợi ích chung, cùng có lợi của các bên.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan giới thiệu khái quát về dự án Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam; ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc giới thiệu kế hoạch khai thác hoạt động du lịch, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tiềm năng du lịch cũng như kế hoạch khai thác du lịch và cơ hội hợp tác đầu tư tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Trao đổi ý kiến tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một “cơ hội lớn” trong việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá. Trong điều kiện thuận lợi về giao thông cũng như cơ sở hạ tầng hiện có của Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đây thực sự là “miếng đất vàng” của Du lịch Việt Nam nói chung, Du lịch Hà Nội nói riêng trong tương lai.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo, tạo ấn tượng đối với du khách ngay từ ban đầu, từ đó thu hút du khách “ở lại” với Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh, cùng với việc hoàn thiện không gian văn hoá của các làng dân tộc cần đặc biệt lưu ý đến việc hoàn thiện dịch vụ lưu trú tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng thời có sự liên kết chặt chẽ giữa các công ty lữ hành, các cụm dịch vụ du lịch khác tạo nên chuỗi du lịch trong vùng, với các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc.

Cảm ơn các doanh nghiệp đóng góp ý kiến để xây dựng Làng Văn hóa du lịch Việt Nam thành điểm hấp dẫn khách du lịch. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định, Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng khung, điện, nước, cầu, đường, bưu chính…, toàn bộ còn lại là mời nhà đầu tư đóng góp, cả trong và ngoài nước. Đồng thời, Thứ trưởng chỉ đạo, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cần phải làm sao để du khách đến đây thưởng thức giá trị văn hóa, có thể ăn, nghỉ, lưu trú lâu dài; cả gia đình có thể cùng thưởng thức dịch vụ mà một tổ hợp văn hóa quốc gia phải làm. Tuy nhiên, cần có sự ứng sử với thiên nhiên tốt, bảo vệ môi trường.

HCTC




Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×