Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động của ngành VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW

17/04/2015 | 17:52

Sáng ngày 17/4, Bộ VHTTDL  đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại 03 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị cho biết, xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết về lý luận và thực tiễn, được tổng kết công phu, khoa học, kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI thống nhất ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là một bản Nghị quyết về văn hóa thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng trong hội nhập và phát triển.

Sau gần 6 tháng Nghị quyết số 33-NQ/TW được ban hành, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Và sau 14 ngày Chính phủ ban hành Chương trình hành động, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 88/QĐ-BVHTTDL ngày 14/01/2015, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Để tổ chức triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, góp phần đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách bền vững, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức 02 cuộc Hội thảo “Những giải pháp tổ chức triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Qua các Hội thảo với nội dung thiết thực, mang tính liên ngành cao đã góp phần tiếp tục nhận thức sâu hơn, toàn diện hơn về văn hóa, con người Việt Nam, và bước đầu đề ra những hành động từ góc độ khoa học, cần được tiếp tục soi rọi từ thực tế sinh động để đảm bảo tính khả thi của những nhiệm vụ, giải pháp.

Trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, qua kết quả các Hội thảo khoa học, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động số 88/QĐ-BVHTTDL của toàn Ngành với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, 28 đề án, nhiệm vụ, Nghị định, Luật do Bộ VHTTDL chủ trì và 3 đề án Bộ VHTTDL phối hợp, triển khai một cách hệ thống, bài bản, có lộ trình, đặc biệt tập trung thể chế hóa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong nội dung của Nghị quyết để góp phần đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Bộ VHTTDL cũng ban hành Kế hoạch công tác năm 2015 để triển khai chi tiết Kế hoạch hành động, với 70 nhiệm vụ chủ trì, phối hợp và các công việc thường xuyên cho các đơn vị thuộc Bộ và để Sở VHTTDL các tỉnh/thành triển khai. Đồng thời Bộ đã ban hành 12 Quyết định giao nhiệm vụ cho từng đơn vị chủ trì xây dựng các đề án trong năm 2015 và 2016.

Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến lần này nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai từ nhận thức, trao đổi những giải pháp trọng tâm và tháo gỡ những vướng mắc, phát sinh nếu có trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

 
Toàn cảnh 03 điểm cầu

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn thảo một số vấn đề: Làm rõ những giải pháp thiết thực, khả thi, cụ thể hóa để thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam mà Nghị quyết số 33-NQ/TW đã nêu phù hợp với tình hình thực tế; phải chăng bắt đầu từ nhận thức, đến hành động, với khâu then chốt là thể chế hóa, khâu đột phá là nguồn lực, khâu thường xuyên là kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, với thực tế sinh động của phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, đặt văn hóa trong mối quan hệ đa chiều, văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, những cơ chế, chính sách nào cần thay đổi, cần bổ sung thích ứng, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, giữa Trung ương với địa phương để phát triển công nghiệp văn hóa và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa. Bên cạnh đó, yếu tố đặc thù vùng miền, dân tộc thể hiện cụ thể như thế nào trong việc triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW và những khó khăn, nút thắt nào chúng ta cần tập trung tháo gỡ qua kinh nghiệm thực tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế, trao đổi, hiến kế những nhiệm vụ, giải pháp trúng mà không cứng nhắc, thiết thực, nhưng đúng định hướng để Nghị quyết được chuyển hóa vào cuộc sống một cách giản dị, phù hợp với đặc thù vùng, miền, dân tộc, đia phương, thực sự “soi đường cho quốc dân đi” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh, dự báo thời gian tới, toàn cầu hoá và cách mạng khoa học-công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hội nhập và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhờ công nghệ mà hiện đại hóa, có sức lan tỏa nhanh, mạnh, sâu trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở thành thị mà còn hiện diện ở vùng núi cao, nông thôn hẻo lánh. Giao thoa văn hóa trở nên mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện để tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại và đưa văn hóa nước ta ra thế giới. Trên đường đổi mới, các điều kiện kinh tế-xã hội phát triển tạo thuận lợi cho văn hóa phát triển. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân tiếp tục được nâng cao, tạo động lực cho phát triển văn hóa. Trình độ nhận thức, văn hóa của nhân dân ngày một cao hơn, giúp cho mặt bằng văn hóa được nâng lên, tạo điều kiện cho việc sáng tạo văn hóa có chất lượng hơn, phong phú, đa dạng hơn, nhưng cũng đòi hỏi văn hoá phải có sự thay đổi phù hợp, trong đó bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia càng được đặt ra với vai trò vừa là lực hút, vừa là lực đẩy với chính mình và với thế giới. Điều này đòi hỏi chủ thể văn hoá, quản lý văn hoá phải có ứng xử thích nghi, phù hợp trong mối quan hệ đa chiều dường như vừa đơn giản hơn, nhưng cũng vừa phức tạp hơn.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tin tưởng rằng, qua Hội nghị, tinh thần của Nghị quyết sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn trong toàn Ngành và được chuyển hóa thành các nhiệm vụ, công việc thực tế, để một lần nữa văn hóa được đặt đúng tầm vóc, vị trí vốn có của nó và mang lại thời cơ, vận hội mới cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, Nghị quyết số 33-NQ/TW với nhiều điểm mới đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Mục tiêu là hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa với con người là trọng tâm. Để thực hiện được mục tiêu này cần huy động đội ngũ các chuyên gia vào cuộc, tổ chức nhiều chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án... Đối với vấn đề xây dựng con người, tập trung xây dựng con người với các giá trị mới phù hợp thời đại, đồng thời cần nhìn nhận thẳng vào những hạn chế, tật xấu con người có giải pháp khắc phục, từ đó hình thành các giá trị chuẩn mực văn hóa của thời đại mới.

Bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trước hết, các đơn vị thuộc Bộ và Sở VHTTDL các tỉnh/thành cần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Nghị quyết, các chương trình hành động. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương.

Các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiến hành hoàn thiện các cơ chế, chính sách; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước, đặc biệt trong triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...

Đối với các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ gắn với đặc thù của địa phương, gắn việc thực hiện Nghị quyết với xây dựng môi trường văn hóa, trước hết là tại các công sở (quy tắc ứng xử, thái độ trách nhiệm làm việc, môi trường công sở...). Các địa phương cũng cần tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết và các chương trình hành động. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền nêu gương người tốt việc tốt trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×