Hội nghị triển khai Luật Thư viện khu vực phía Bắc
24/12/2019 | 16:15Thực hiện Luật Ban hành quy phạm pháp luật, chương trình phổ biến giáo dục pháp luật, Quyết định số 4550/QĐ-BVHTTDL, sáng 24/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thư viện cho các tỉnh khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến và triển khai Luật Thư viện đến thư viện các cơ quan, tổ chức có liên quan trong cả nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm triển khai thi hành Luật Thư viện.
Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện các Cục, Vụ thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ;... Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL; đại diện lãnh đạo một số Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở GD&ĐT các tỉnh/thành phía Bắc; Thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng khu vực phía Bắc…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Lĩnh vực thư viện nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các địa phương. Luật Thư viện được thông qua là sự kiện quan trọng đối với ngành VHTTDL. Trên nền tảng phát triển các quy định về Pháp Lệnh thư viện năm 2000, Luật thư viện ra đời đáp ứng được mong mỏi của đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Thư viện nói riêng, ngành VHTTDL nói chung. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực thư viện.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh: Việc ban hành Luật mới chỉ là bước khởi đầu, để Luật Thư viện đi vào cuộc sống, và tạo ra sự chuyển biến trong công tác thư viện, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là công tác tổ chức thực hiện của các Bộ, Ngành và đặc biệt là các địa phương. Đồng thời mong muốn, các đại biểu sẽ có nhiều ý đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Hội nghị hôm nay sẽ là bước khởi đầu quan trọng đưa Luật Thư viện vào cuộc sống.
Tại Hội nghị, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện nhấn mạnh: Ngày 21/11 là một dấu mốc quan trọng đối với người làm thư viện khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14. Tiếp đến, ngày 03/12, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 09/2019/L-CTN công bố Luật Thư viện. Đây cũng là niềm vui lớn đối với người dân Việt Nam, có thêm cơ hội tiếp cận thông tin thông qua Luật Thư viện được ban hành.
Bà Ngà cũng cho biết: Trong quá trình xây dựng Luật Thư viện, ban Soạn thảo, tổ Biên tập đã quán triệt các quan điểm, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Hiến pháp 2013. Theo đó, Luật Thư viện gồm 06 chương, 52 điều: Chương 1 - Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương 2 - Thành lập thư viện (từ Điều 9 đến Điều 23): Chương 3 - Hoạt động thư viện (từ Điều 24 đến Điều 37); Chương 4 - Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện (từ Điều 38 đến Điều 47); Chương 5: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về thư viện (từ Điều 48 đến Điều 50); Chương 6: Điều khoản thi hành (Điều 51 và 52).
Cũng theo bà Ngà, một trong những điểm mới của Luật Thư viện này là Liên thông thư viện. Việc các thư viện thực hiện liên thông có một ý nghĩa rất lớn. Liên thông thư viện sẽ bảo đảm hoạt động thư viện được triển khai theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin và tiện ích giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư với các thư viện khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, phục vụ cho người sử dụng tốt nhất có thể.
Ngoài ra, vấn đề đánh giá hoạt động thư viện cũng là một trong những điểm mới qui định trong Luật Thư viện. Hoạt động này mang tính chất định kỳ hàng năm do các thư viện, cơ quan thành lập, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện. Điều này buộc các thư viện phải thường xuyên đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, bà Ngà cho biết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, Luật Thư viện được thông qua sẽ tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước. Đồng thời, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến một số nội dụng như: Quán triệt các quy định của Luật Thư viện, xác định được các điểm mới và yêu cầu đặt ra đối với cơ quan, tổ chức cá nhân trong thi hành Luật Thư viện; Thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Luật thư viện trong thời gian tới; Góp ý kiến cho các văn bản quy định chi tiết Luật Thư viện,...
Sau hội nghị này, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thư viện cho các tỉnh khu vực phía Nam tại Đà Nẵng.