Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2022
11/08/2022 | 14:37Sáng 11/8, tại Bộ VHTTDL đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Liêm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã báo cáo kết quả triển khai công tác xây dựng pháp luật 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2022, tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ VHTTDLvẫn đang được đảm bảo. Đã có 02 dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) gồm: Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; 01 dự án Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với sự đồng thuận tương đối cao về sự cần thiết ban hành cũng như các nội dung cơ bản mà Bộ đã trình; 01 văn bản Luật đã được rà soát, đánh giá và Chính phủ đã đồng ý chủ trương lập đề nghị xây dựng là Luật Di sản văn hóa. Thơi gian trình Chính phủ đề nghị xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là tháng 11/2022; 01 Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Quảng cáo đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng kế hoạch; 02 Nghị định đã được Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (phần điện ảnh) và Nghị định số 30/2022/NĐ-CP ngày 19/5/2022 quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; 04 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền.
Ông Lê Thanh Liêm cũng cho biết, các văn bản còn lại đang trong quá trình xây dựng theo tiến độ. Tuy nhiên, khối lượng công việc 5 tháng cuối năm còn khá nặng nề. Nếu không chủ động, tích cực với các giải pháp phù hợp thì nhiều văn bản sẽ bị chậm tiến độ hoặc nếu không chậm thì chất lượng dự thảo văn bản khi trình cấp có thẩm quyền sẽ khó đáp ứng được yêu cầu.
Trong nhiệm vụ công tác cuối năm 2022, công tác xây dựng pháp luật sẽ tập trung vào nghiên cứu, rà soát các dự án luật: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Xây dựng các Nghị định, Thông tư, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương…
Ông Lê Thanh Liêm cũng nêu ba nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật. Cụ thể, công tác xây dựng pháp luật phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện. Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương nhằm phát huy trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao;
Quá trình xây dựng pháp luật phải có sự chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa nhằm đánh giá đúng thực chất tác động chính sách của từng văn bản. Những nội dung nào đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm thì ban hành văn bản để điều chỉnh, nội dung nào chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì sẽ làm thí điểm để tiếp tục hoàn thiện về cơ sở lý luận và thực tiễn. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần xuất phát từ nhu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước, bảo đảm hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cho việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật (sự phù hợp với định hướng của Đảng, đã có sự đánh giá thực tiễn, thống nhất với tổng thể chung của hệ thống pháp luật...);
Cần tiếp tục tăng cường nguồn lực, ưu tiên đầu tư thời gian, tài chính, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự điều chỉnh...
Ngoài ra, ông Lê Thanh Liêm cũng kiến nghị các cơ quan đơn vị trong quá trình xây dựng các Nghị định, Thông tư nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần liên hệ ngay với Vụ pháp chế để tổng hợp, đề xuất xử lý; đồng thời trong các buổi giao ban đơn vị cần có 1 phần nội dung về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
Tại Hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ cũng đã đưa ra ý kiến đóng góp cùng những kiến nghị và giải pháp nhằm triển khai công tác xây dựng pháp luật thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả hơn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị thủ trưởng các đơn vị tham mưu quản lý nhà nước trực thuộc Bộ cần xác định công tác xây dựng pháp luật năm 2022 là nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng. Thứ trưởng cũng giao Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục chuyên môn, đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo tiến độ và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng cần phối hợp, rà soát và thực hiện theo đúng lộ trình để đăng lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Sau 3 tuần Bộ sẽ rà soát lại tiến độ công việc của các đơn vị đã được giao nhiệm vụ.