Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014

19/01/2015 | 11:28

Chiều ngày 15/01, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh để tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2014. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, kết quả đã đạt được, hạn chế và nguyên nhân rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở. Trên cơ sở đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014, các đại biểu đề xuất giải pháp có tính cấp thiết, lâu dài nhằm tổ chức và quản lý lễ hội năm 2015 theo hướng khoa học, tiến bộ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

 
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Năm 2014, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã đạt được những kết quả tích cực, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách; việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, vệ sinh môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Ý thức của nhân dân, du khách tham gia lễ hội đã được nâng cao, các hiện tượng phản cảm trong lễ hội không còn phổ biến như trước đây.

Việc hạn chế đốt đồ mã, chấn chỉnh việc lưu thông, sử dụng đồng tiền mệnh giá nhỏ trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được triển khai thực hiện, bước đầu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tình trạng sử dụng tiền lẻ tùy tiện gây phản cảm tại lễ hội, công trình tín ngưỡng, di tích đã giảm đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014 ở một số địa phương vẫn diễn ra tình trạng đặt tiền lễ, tiền công đức không đúng nơi quy định. Có nơi làm hòm công đức bằng kính, đặt tiền giọt dầu lên tay Phật, tay tượng, lên cành cây; có nơi vẫn tiếp nhận đồ công đức bằng hiện vật như ông hổ, sư tử đá… gây nhiều phản cảm. Đồng thời, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở một số lễ hội chưa được đảm bảo, hiện tượng chen lấn, xô đẩy vẫn còn tồn tại ở một số lễ hội như lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ Cướp Phết (Vĩnh Phúc)…; xuất hiện biến tướng của cờ bạc trá hình…

Nguyên nhân của vấn đề trên là do một bộ phận du khách có sự “thái quá” về niềm tin tín ngưỡng, cố chen lấn xô đẩy, tìm mọi cách đạt được mục tiêu cầu lộc, cầu tài, cầu danh… mà chưa quan tâm đến sự linh thiêng, tôn nghiêm và vẻ đẹp của lễ hội. Bên cạnh đó, các lễ hội đều thu hút lượng lớn du khách đến vào cùng thời gian, địa điểm trong khi cơ sở hạ tầng di tích, dịch vụ, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự chưa đáp ứng được nhu cầu đón hàng triệu lượt khách đổ về lễ hội trong một thời gian ngắn.

Đồng thời, công tác tuyên truyền, giới thiệu về các lễ hội, di tích, bảng biểu hướng dẫn nhân dân còn ít và chưa rõ ràng. Vẫn còn hiện tượng trang trí lễ hội bằng các loại đèn lồng không rõ nguồn gốc, in chữ nước ngoài. Đặc biệt là vào tháng 2/2014 đã xuất hiện hiện tượng đạo lạ hoạt động, phát tán tài liệu trái phép trong lễ hội...

 
Toàn cảnh 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, công tác tổ chức, quản lý các hoạt động lễ hội muốn thành công, an toàn, văn minh cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không phải chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Văn hóa. So với những năm trước, việc tổ chức và quản lý lễ hội năm 2014 của nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực là nhờ sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu, trong năm 2015, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cần phải thực hiện tốt hơn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là ở những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Để làm được việc này, các địa phương, ban quản lý di tích, lễ hội và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để quản lý, thực hiện tốt việc giảm thiểu tối đa hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã, tránh tạo thành hiện tượng đáng chú ý như ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Đối với vấn đề quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, cần khắc phục tình trạng đặt nhiều hòm công đức; chấm dứt tình trạng lều quán bán hàng lấn chiếm di tích và đường hành hương; đưa hiện vật lạ ra khỏi không gian di tích... Công tác thanh kiểm tra, nghiên cứu, quy hoạch trong lễ hội cũng cần được tăng cường. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh lễ hội. Đặc biệt, các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, hiện vật lạ không phù hợp với văn hóa Việt Nam trong các di tích, lễ hội.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×