Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin 2006
23/11/2017 | 19:27Ngày 23/11, tại Bộ Thông tin- Truyền thông đã diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin 2006. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tham dự Hội nghị này.
Luật Công nghệ thông tin (CNTT) được Quốc hội khóa 11 thông qua ngày 29/6/2006. Đây là văn bản pháp lý cao nhất trong việc thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT. Trải qua hơn 10 năm thực hiện, ngành CNTT Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thực sự trở thành ngành hạ tầng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, trong 10 năm qua, hệ thống tổ chức quản lý, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT ở các cấp trên toàn quốc đã từng bước được xây dựng và kiện toàn tại Trung ương và địa phương. Môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng CNTT đã cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và xã hội.
Sau hơn 10 năm, mức độ phổ cập CNTT có nhiều thay đổi ấn tượng. Tất cả các bộ ngành, địa phương đã có cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội với hàng chục triệu hồ sơ được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4.
Tỷ lệ người dân sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. CNTT được phổ cập tại hầu hết các trường PTTH và gần 80% các trưởng ĐH-CĐ trên toàn quốc. Nhân lực làm việc trong ngành CNTT hướng tới cột mốc 1 triệu lao động.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương, hiệp hội báo cáo về tác động của Luật CNTT đối với hoạt động của mình và có phần trao đổi, giao lưu về định hướng quản lý và phát triển CNTT trong thời gian tới với một số đại biểu tham dự.
Hội nghị đã ghi nhận 5 tham luận và những ý kiến đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật CNTT và tác động của luật đối với sự phát triển của ngành thông tin và truyền thông nói riêng cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tác động của Luật được nhìn nhận dưới nhiều góc độ của toàn xã hội, từ cơ quan trung ương đến địa phương đến doanh nghiệp tập trung trên hai lĩnh vực quan trọng: ứng dụng và phát triển CNTT. Đồng thời, trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra một cuộc tọa đàm về định hướng và phát triển CNTT trong thời gian tới .
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Luật CNTT năm 2006 lần đầu tiên đề cập tới đầy đủ các trụ cột, khái niệm về CNTT như ứng dụng CNTT, hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghiệp CNTT… như của thế giới. Nhờ vậy, CNTT từ hạ tầng đến ứng dụng, nguồn nhân lực, công nghiệp đều có bước phát triển. Tuy nhiên, không thể hài lòng vì CNTT còn nhiều vướng mắc từ khung khổ luật pháp, đến nhận thức, thói quen sử dụng CNTT trong bộ máy hành chính, người tiêu dùng, hay của chính người làm CNTT.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù CNTT được coi là nền tảng của nền tảng, tạo động lực cho các lĩnh vực khác, nhưng tốc độ thực hiện rất chậm, trước hết là trong cơ quan hành chính các cấp. Phó Thủ tướng cho rằng, không phải tất cả là lỗi của những người làm CNTT, bởi để ứng dụng CNTT quan trọng nhất là phải chấp nhận thay đổi, chấp nhận mọi thứ phải được công khai, minh bạch.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng “chốt lại” 3 yêu cầu khi tổng kết việc thực hiện Luật CNTT. Trước hết phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật về CNTT nói chung và đưa ra những khuyến nghị không chỉ liên quan đến Luật CNTT mà các luật khác. Trên cơ sở luật cơ bản, luật khung cần tiến tới xây dựng các luật chuyên sâu đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, không để “luật đợi nghị định, nghị định đợi thông tư”. Đồng thời, các xu thế phát triển mới của CNTT phải được nghiên cứu, kiến nghị đầy đủ.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao bằng khen cho 29 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, triển khai luật CNTT thời gian qua. Bộ trưởng cho biết, việc hoàn thiện Luật CNTT sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực là ứng dụng CNTT; phát triển công nghiệp CNTT và dịch vụ CNTT. Các đơn vị tham mưu của Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là các ý kiến của diễn giả, đại biểu, chuyên gia trong hội nghị này để khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, báo cáo Chính phủ, Quốc hội, đề xuất bắt đầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật ngay trong năm 2018./.
Thủy Bích