Hội nghị Tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
22/07/2017 | 09:08Ngày 21/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Ông Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng Phan Thanh Bình nêu rõ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở rất quan trọng và có ý nghĩa để hình thành nếp sống và các chuẩn mực đạo đức trong người dân, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để người dân tham gia sáng tạo và thụ hưởng văn hóa. Do vậy, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người còn tồn tại một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình hi vọng, với tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, hoạt động thực tiễn, các vị đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá - xã hội của Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước về thực trạng xây dựng đời sống văn hoá cơ sở sẽ tích cực thảo luận, có nhiều ý kiến phản ánh đúng thực trạng, nguyên nhân, từ đó có những kiến nghị cụ thể để cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Theo Báo cáo của Bộ VHTTDL, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong những năm qua đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo toàn diện, cụ thể, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc xây dựng nếp sống văn hóa mới được triển khai rộng khắp trên cả nước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn, phát huy thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Việc nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy lên và trở thành một phong trào phát triển rộng rãi trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân…
Nhìn chung, các văn bản pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được ban hành tương đối đồng bộ, kịp thời, phát huy hiệu quả, hiệu lực trong quản lý các hoạt động văn hóa, cơ sở, góp phần quan trọng trong việc đề cao vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, do sự vận động, phát triển và phát sinh những vấn đề mới trong đời sống xã hội, nhiều văn bản pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập không còn phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp, nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo giám sát Ủy ban, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Cụ thể, về hệ thống chính sách, pháp luật, hiện mới có một số Nghị định điều chỉnh về lĩnh vực này, chưa có văn bản có giá trị pháp lý cao là Luật hay Pháp lệnh, nên hạn chế việc thể chế hóa quyền công dân về thụ hưởng giá trị văn hóa, tham gia đời sống văn hóa, sử dụng thiết chế văn hóa. Các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, tính chất hệ thống chưa cao, chưa tạo được sự liên thông, hỗ trợ lẫn nhau giữa các mảng công việc cụ thể. Vì thế, có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng Luật hoặc Pháp lệnh về môi trường văn hóa, nhằm quy định các nguyên tắc về xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa, các biện pháp xây dựng và bảo vệ môi trường văn hóa; quy định cụ thể về hệ thống cơ sở văn hóa, các chính sách đầu tư, quản lý hệ thống cơ sở này…
Về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các đại biểu đánh giá việc đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa hiện nay còn hình thức, chạy theo phong trào, chưa đi vào thực chất. Tác động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến đời sống văn hóa - xã hội còn hạn chế, kết quả đạt được chưa vững chắc, chưa đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong đời sống văn hóa. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được quan tâm, quy hoạch; có địa phương còn dùng quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vào mục đích khác. Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi Trung tâm văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động; chưa phát huy sáng kiến, sự tham gia tích cực của người dân. Kinh phí dành cho nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thấp...
Đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng, để đảm bảo kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở thì việc sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, việc hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở luôn được Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo. Ngay sau khi có Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ đã có hướng dẫn gửi UBND địa phương, việc kiểm tra giám sát theo dõi sát sao hàng năm. Hai năm một lần, Bộ chủ trì tổ chức hội nghị đánh giá về hoạt động của hệ thống thiết chế trên 63 tỉnh thành. Trong việc kiểm tra giám sát việc thực hiện này Bộ đều có đánh giá và yêu cầu địa phương liên tục có đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng cho biết, năm 2015 Bộ VHTTDL đã có đề án 2563 phê duyệt đề án nâng cao hoạt động thiết chế văn hoá thể thao, nâng cao hiệu quả đáp ứng nhu cầu phát triển văn hoá cộng đồng của cơ sở. Tuy nhiên, hiện có khó khăn về kinh phí và nguồn lực con người trong tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở, cần sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo các địa phương để tháo gỡ.
Những ý kiến tại Hội nghị sẽ là cơ sở để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nắm được tình hình của việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay; đồng thời là nền tảng để Ủy ban tham mưu hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này một cách có hiệu quả trong thời gian tới./.