Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2014

08/07/2014 | 17:46

Sáng 08/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Bộ trưởng Bộ VHTTDL - Hoàng Tuấn Anh đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Khánh Hải, Huỳnh Vĩnh Ái, Đặng Thị Bích Liên; đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL một số địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Đà Nẵng, Lâm Đồng…

Theo báo cáo tại Hội nghị, sáu tháng đầu năm 2014, tình hình thế giới và khu vực phát sinh nhiều nhân tố mới, nguy hiểm, những xung đột chính trị mới, vũ trang cục bộ bùng phát tại nhiều nơi. Tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi không đều, chậm và chưa vững chắc. Từ đầu tháng 5/2014, căng thẳng trên biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch của Ngành.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phát động trong toàn Ngành phong trào thi đua với chủ đề “Trách nhiệm, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả”, xác định quyết tâm chính trị và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành các mục tiêu phát triển Ngành đề ra cho năm 2014. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, UBND các cấp, sáu tháng đầu năm 2014, toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về Văn hóa, gia đình: Các di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục được vinh danh trên thế giới, với việc Châu bản Triều Nguyễn được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa-thiên nhiên thế giới.


Toàn cảnh Hội nghị

Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đã có sự chuyển biến tích cực, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn, đặc biệt là Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Festival Đờn ca tài tử Nam Bộ quốc gia lần thứ Nhất-Bạc Liêu 2014, chương trình nghệ thuật “Vì Biển đảo thân yêu”; Chương trình Đại Gia đình các Dân tộc Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... được tổ chức trang trọng, tạo ấn tượng tốt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng nghệ thuật, an toàn, tiết kiệm. Các đơn vị nghệ thuật của Trung ương và địa phương tổ chức các đoàn xung kích biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo, đồn biên phòng thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Ban Chỉ đạo các cấp quan tâm, tác động tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội căn bản đạt yêu cầu đề ra, ý thức thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội của người dân có chuyển biến tích cực. Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh/huyện, các đội tuyên truyền lưu động chủ động, tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính trị về biên giới và Biển đảo Việt Nam.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa thông tin trên các tuyến biên giới, bờ biển”; hỗ trợ các địa phương phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số (05 lễ hội) có số dân dưới 5 nghìn người tại Tuyên Quang; Lai Châu; Nghệ An và Kon Tum.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) lần đầu được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Ngày Gia đình Việt Nam với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được tổ chức dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực.

Về Thể dục, thể thao: Thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức đa dạng, với nhiều nội dung hoạt động sôi nổi, thiết thực. Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII được triển khai tích cực, đến nay đã có 56/63 tỉnh/thành đã tổ chức Đại hội cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 88,9%. Thể thao thành tích cao tiếp tục khẳng định thế mạnh với các môn thể thao (như Bắn súng, Bơi, Thể dục dụng cụ, cử tạ...) đạt thứ hạng cao trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

Về Du lịch: Trong bối cảnh kinh tế trong nước và kinh tế thế giới phục hồi chậm, đặc biệt là chịu tác động không có lợi trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Du lịch Việt Nam đã chủ động kế hoạch ứng phó, duy trì tốc độ tăng trưởng. Công tác quản lý hoạt động du lịch được tăng cường, công tác quảng bá xúc tiến được chú trọng. So với cùng kỳ năm 2013, sáu tháng đầu năm 2014, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,3 triệu lượt, tăng 21,11%; khách du lịch nội địa ước đạt 23,4 triệu lượt, tăng 6,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,5%.


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác văn hóa, thể thao và du lịch 6 tháng đầu năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế: Việc xây dựng văn bản quản lý nhà nước, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; chất lượng văn bản chưa cao, một số quy định đã bộc lộ kẽ hở nhưng chưa được phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, dẫn đến lúng túng, bị động trong quản lý; y thức trách nhiệm và kỷ luật hành chính, nhất là trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao có lúc, có nơi chưa nghiêm, chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định. Một số nơi, những hành vi vi phạm tái diễn kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để, tạo dư luận xã hội bức xúc: di tích bị xuống cấp, bị xâm hại;  việc đưa hiện vật, đồ thờ tự không phù hợp vào di tích; kinh doanh thu đổi tiền lẻ, bán đồ mã, hàng quán, nhà vệ sinh không đạt chuẩn... Đã xảy ra một số vụ bạo lực gia đình phi nhân tính, gây hậu quả nghiêm trọng, tạo sự căm phẫn trong dư luận xã hội, trong khi đó chưa có cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, ngăn chặn, thiếu các chế tài xử lý đủ sức răn đe hiệu quả.

Hệ thống thiết chế thể thao cơ sở phục vụ tập luyện cho nhân dân còn thiếu. Kinh phí đào tạo lực lượng vận động viên, trang thiết bị tập luyện, thi đấu cho các vận động viên các đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp. Hiện tượng tiêu cực, dàn xếp tỷ số, thiếu trung thực, bạo lực trong thể thao vẫn tái diễn.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và những khó khăn của kinh tế trong nước, những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông tác động bất lợi cho sự phát triển của ngành Du lịch. Tình trạng nâng giá, ép giá dịch vụ tại một số địa bàn du lịch trọng điểm chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch, hoạt động lữ hành còn bất cập.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong 6 tháng cuối năm 2014, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đó là: Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Triệt để tiết kiệm, cắt giảm tối đa việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, các đoàn công tác trong nước và đi nước ngoài.

Chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch ứng phó trước những diễn biến phức tạp do tác động của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai, hoàn thành kế hoạch công tác năm 2014, tập trung vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; giảm tối đa việc các cơ quan tham mưu, quản lý nhà nước trực tiếp tổ chức các liên hoan, hội diễn, cuộc thi; các hoạt động nghiệp vụ, chuyên môn chưa thực sự cấp bách. Hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ theo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2014 trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; đồng thời chỉ đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ đơn vị chức năng thuộc Bộ; Sở VHTTDL các địa phương cần nỗ lực tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, trong đó lưu ý khắc phục một số hạn chế, khuyết điểm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý một số nội dung trọng tâm: Triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tập trung xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện nếp sống văn minh cưới tang, nhân rộng mô hình tốt, vai trò nêu gương của các Đảng viên; công tác tu bổ trùng tu di tích; quản lý chất lượng nghệ thuật biểu diễn; hoàn thành sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; công tác tổ chức các ngày lễ lớn trong 2 năm 2014- 2015...

Về thể thao, toàn ngành tập trung cao độ chuẩn bị lực lượng tham gia đại hội thể thao toàn quốc. Về du lịch, chủ động nới rộng thị trường; có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh ngày càng phức tạp. Tiếp tục quán triệt mục tiêu của du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các Cục, Vụ, đơn bị chức năng của Bộ tăng cường tính tự chủ trong triển khai các nhiệm vụ công tác; thực hành tiết kiệm... Chú trọng nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; rà soát lại các chiến lược, kế hoạch liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ của ngành...

TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×