Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020

28/11/2013 | 17:01

(VP) - Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị, Hội thảo trực tuyến tại 02 điểm cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để lấy kiến góp ý của các các Ban, Bộ, ngành, đơn vị liên quan; các nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ điện ảnh nhằm hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”. Thứ trưởng Vương Duy Biên đã dự và chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị, hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện các hãng phim Nhà nước, các nghệ sĩ, các nhà điện ảnh tiêu biểu, các Trung tâm chiếu phim, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng địa phương.


Hình ảnh tại 02 điểm cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu đặt ra cho điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành điện ảnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phổ biến phim của các cơ sở điện ảnh và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật điện ảnh của nhân dân tại các vùng, miền, địa phương; đồng thời có đủ điều kiện và năng lực tổ chức các Liên hoan phim và sự kiện điện ảnh lớn của quốc gia và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, điện ảnh Việt Nam có các nghệ sỹ tài năng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ, có vị trí thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 xây dựng đội ngũ các nhà biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật, diễn viên, chuyên gia kỹ thuật công nghệ, nhà sản xuất, nhà lý luận phê bình, nhà quản lý điện ảnh được đào tạo bài bản, chuyên sâu, có đủ trình độ và năng lực phát triển điện ảnh. Hoàn thành cơ bản việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật trong cả nước phù hợp với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ điện ảnh tiên tiến của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, phổ biến phim và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật điện ảnh của nhân dân… Phấn đấu đến năm 2030, điện ảnh Việt Nam có đội ngũ sáng tác, sản xuất phim mạnh trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, trong đó có những tài năng được quốc tế công nhận.

Cũng theo Dự thảo, Quy hoạch vùng phát triển điện ảnh đến năm 2020 sẽ được chia làm 03 khu vực. Trong đó, Hà Nội sẽ là trung tâm điện ảnh Bắc Bộ, Đà Nẵng là trung tâm điện ảnh Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm điện ảnh phía Nam.


Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh, “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” được xây dựng trên cơ sở các chuyên đề được viết kĩ lưỡng, bao gồm các nội dung hoạt động điện ảnh như: Quản lý nhà nước về điện ảnh; Sáng tác, sản xuất, Phát hành - Phổ biến phim; Phát triển cơ sở kỹ thuật và công nghệ điện ảnh; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Công tác lưu trữ; Hợp tác quốc tế về điện ảnh, các lĩnh vực hoạt động điện ảnh khác… Những nội dung này đều được kết cấu với 5 phần chính: Quan điểm, mục tiêu, định hướng chủ yếu, giải pháp thực hiện, nguồn kinh phí tổ chức thực hiện.
 
Thứ trưởng khẳng định, việc lấy ý kiến góp ý của các các Ban, Bộ, ngành, đơn vị liên quan; các nhà hoạt động điện ảnh, nghệ sĩ điện ảnh để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” là một trong những nhiệm vụ quan trọng để từng bước hoàn thiện các văn bản hoạch định chính sách, định hướng để phát triển ngành điện ảnh lâu dài, bền vững.


Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội

Sau một ngày làm việc, với nhiều tham luận được trình bày, các đại biểu đã cơ bản nhất trí với các nội dung dự thảo “Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, cấp thiết. Trong đó tập trung vào 5 vấn đề trọng tâm như: Quan điểm phát triển Điện ảnh; mục tiêu phát triển Điện ảnh; định hướng chủ yếu; những giải pháp thực hiện và nguồn kinh phí tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển điện ảnh. Các tham luận đã khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Quy hoạch phát triển điện ảnh; các ý kiến góp ý đã đi thẳng vào vấn đề cần thảo luận, bên cạnh những ý kiến sâu sát còn có những ý kiến mang tính gợi mở nhằm từng bước hoàn thiện các văn bản hoạch định chính sách, định hướng để phát triển ngành điện ảnh bền vững.


HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×