Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hội nghị góp ý Dự thảo Đề án “Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”

26/06/2013 | 14:36

(VP) - Ngày 25/6, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án “Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên đã chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim và những người hoạt động điện ảnh.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, hơn sáu thập kỷ qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam luôn làm tròn nhiệm vụ phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Điện ảnh cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ sản xuất và cách thức tiếp cận khán giả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó điện ảnh Việt Nam cũng gặp một số khó khăn thách thức mới, hoạt động điện ảnh thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp do một thời gian dài điện ảnh bước vào cơ chế thị trường không có sự chuẩn bị, phát triển tự phát không có chiến lược và quy hoạch cụ thể; các cơ sở điện ảnh nhà nước trì trệ, hoạt động kém hiệu quả, điện ảnh tư nhân chạy theo thị hiếu một bộ phận khán giả vì mục tiêu lợi nhuận…

Từ những thách thức trên đã đặt các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh phải sớm có những định hướng phát triển mới đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành trong tình hình mới. Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những công cụ quản lý nhà nước hữu ích, là một trong những yếu tố mang tính đột phá nhằm phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của những thập niên đầu thế kỷ 21.

Theo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đặt ra cho điện ảnh Việt Nam đến năm 2020 trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á trên cơ sở vừa là ngành nghệ thuật có thế mạnh, vừa là ngành công nghiệp điện ảnh chuyên nghiệp; đến năm 2030, phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành một trong những nền điện ảnh mạnh ở Châu Á.

Trong đó, Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển ngành công nghiệp điện ảnh thông qua các chính sách đầu tư, chính sách thuế và các chính sách khác trong khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim, quy hoạch hệ thống rạp, cũng như công tác phục vụ chiếu bóng lưu động tại vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời, đẩy mạnh “xã hội hóa” hoạt động điện ảnh nhằm huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường tính sáng tạo trong xã hội bằng sự tham gia của khu vực tư nhân trong sản xuất phim, đặc biệt là ở trong khâu phổ biến phim, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giải trí lành mạnh của khán giả.

Bên cạnh đó, phát triển điện ảnh theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ. Hiện đại hóa cơ sở kỹ thuật và công nghệ điện ảnh phù hợp với tình hình Việt Nam và đúng theo quy luật phát triển của điện ảnh thế giới.

Hội nhập để học tập kinh nghiệm quốc tế, hợp tác sản xuất, cung ứng các dịch vụ làm phim, thúc đẩy việc phổ biến phim của Việt Nam ra thị trường quốc tế, góp phần giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam.


Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội thảo, đã có 18 ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự, đa phần các đại biểu đồng ý với nội dung của dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tập trung góp ý thêm một số nội dung như: Bố cục dự thảo, vai trò của quản lý nhà nước trong phát triển điện ảnh, mối quan hệ giữa điện ảnh với truyền hình, công tác lưu trữ, đào tạo nguồn nhân lực và phát hiện các tài năng trẻ, công tác phổ biến, thị hiếu và cơ chế, phương thức để tiến tới xây dựng nền điện ảnh bình đẳng để khuyến khích động viên mọi sáng tạo ngoài xã hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trương Vương Duy Biên một lần nữa nhấn tầm quan trọng của việc xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thông qua xây dựng chiến lược để tìm ra mô hình tổ chức điện ảnh hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo, làm nòng cốt của hoạt động điện ảnh.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu tham dự; đồng thời cho biết, ngoài việc góp ý tại Hội nghị, các đại biểu có thể gửi văn bản về Ban Tổ chức, Ban Soạn thảo để tổng hợp, bổ sung và hoàn chỉnh chiến lược. Sau hội nghị tại Hà Nội, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị để lấy ý kiến các đại biểu khu vực phía Nam.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×