Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - Những điểm sáng trong hoạt động đào tạo
08/02/2019 | 12:19Năm 2018 là một năm Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong tất cả các lĩnh vực đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Với phương châm đổi mới, sáng tạo, phát triển, công tác đào tạo của Học viện đã đạt được những kết quả xuất sắc. Cụ thể, trong năm, tại Học viện đã tổ chức thành công Festival Piano Quốc tế lần đầu tiên (8/2018) dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của 5 giáo sư Piano đến từ các Nhạc viện/Học viện Âm nhạc nổi tiếng thế giới, trong đó có GS - Nghệ sỹ Piano Đặng Thái Sơn. Festival đã thu hút được sự quan tâm và góp mặt của hơn 50 học sinh, sinh viên quốc tế đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo nên sự kiện âm nhạc thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nghệ sỹ piano chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.
Cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ tư. (Ảnh: Bảo Trung)
Tiếp đó là cuộc thi Piano Quốc tế lần thứ tư tổ chức vào tháng 9/2018 dưới sự bảo trợ của Bộ VHTTDL. So với ba cuộc thi trước đây vào các năm 2010, 2012 và 2015, cuộc thi lần này lớn hơn cả về quy mô tổ chức lẫn kết quả đạt được như: thành phần Ban Giám khảo cuộc thi tăng từ 7 GS lên 9 GS từ 9 Nhạc viện/Học viện khác nhau trên thế giới. Số thí sinh dự thi trong 3 cuộc thi trước chỉ khoảng 50 người thì cuộc thi này đã xác lập con số kỷ lục khi có tới gần 50 thí sinh Việt Nam và 34 thí sinh quốc tế đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết thúc cuộc thi, Hội đồng giám khảo và các nhà chuyên môn đã đánh giá đây xứng đáng là cuộc thi lớn có uy tín trong khu vực và mang tầm cỡ quốc tế.
Bên cạnh đó, năm 2018, Học viện đã đón nhiều Giáo sư, giảng viên của một số quốc gia trên thế giới đến thăm và làm việc, lên lớp master tại các khoa Piano, khoa Dây, khoa Kèn Gõ, khoa Thanh nhạc và khoa Jazz. Cũng trong năm 2018, Học viện đã ký kết hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín như: Đại học nghệ thuật Tokyo, Geidai; Đại học nghệ thuật Viena (CH Áo); Nhạc viện Malmo (Thụy Điển)…
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ với Hội đồng chấm thi âm nhạc Quốc gia Úc (AMEB). (Ảnh: Lan Anh)
Về công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phối hợp cùng Sở Văn hóa tỉnh Ninh Thuận tổ chức thành công Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm tỉnh Ninh Thuận" vào cuối tháng 7/2018 với sự tham gia của các nhà khoa học trong cả nước cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ do Học viện chủ trì đã được phê duyệt với tên gọi "Xã hội hóa đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam". Đây là vấn đề đang được quan tâm không chỉ trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà còn được xã hội và các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cũng như các trường VHNT, các trung tâm đào tạo âm nhạc quan tâm để tìm ra các giải pháp, định hướng cho công tác đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Về công tác biểu diễn, với phương châm đào tạo gắn liền với thực hành biểu diễn, trong năm 2018, học viện đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn lớn nhỏ, từ các chương trình của sinh viên, giảng viên đến chương trình của nhà trường; chương trình biểu diễn với giáo sư, nghệ sỹ quốc tế; chương trình biểu diễn phối hợp cùng các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.
Ngoài ra, Học viện cùng với Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan âm nhạc quốc tế Á - Âu vào cuối tháng 11/2018, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Chương trình hòa nhạc dân tộc "Chung một niềm tin" tri ân, kỷ niệm 10 năm ngày mất của cố nhạc sỹ - Nhà giáo nhân dân Xuân Khải với sự nhiệt tình ủng hộ, tham gia của rất nhiều NSND, NSƯT, các nghệ sỹ đàn dân tộc trong cả nước, tạo nên tiếng vang lớn, thu hút được sự quan tâm chú ý của truyền thông và những người yêu nhạc dân tộc Việt Nam. Chương trình biểu diễn Giao hưởng cùng dàn hợp xướng tác phẩm Giao hưởng số 2 của nhà soạn nhạc G.Mahler lần đầu tiên được dàn dựng và công diễn với sự tham gia của 250 nhạc công dàn nhạc giao hưởng quốc gia kết hợp với dàn nhạc giao hưởng Hà Nội của Học viện và dàn Hợp xướng Học viện đã đem tới cho người nghe một đêm nhạc tràn đầy cảm xúc…
Trong năm mới 2019, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng ở tất cả các bậc học và các hệ đào tạo, đặc biệt là tập trung đào tạo tài năng âm nhạc; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị; có chính sách thu hút nhân tài là các giáo sư, giảng viên, nghệ sỹ tài năng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài để bổ sung sức mạnh và uy tín cho đội ngũ giảng viên của Học viện.
Có thể nói rằng, với truyền thống và bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã xứng đáng là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; tham gia vào việc định hướng, giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội; đóng góp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.