Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Học viện Âm nhạc Huế: Bảo tồn các giá trị di sản âm nhạc đặc trưng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên

06/08/2018 | 16:15

Là một cơ sở đào tạo âm nhạc đóng trên một mảnh đất có truyền thống về văn hóa, nghệ thuật, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển các giá trị di sản âm nhạc đặc trưng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Học viện Âm nhạc Huế hướng đến mục tiêu xây dựng nhà trường trở thành nơi nghiên cứu và thực hành lĩnh vực âm nhạc có chất lượng cao của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của đất nước.


Thành lập khoa Âm nhạc Di sản

Học viện Âm nhạc Huế đã thành lập Khoa Âm nhạc Di sản đào tạo các chuyên ngành Nhã nhạc, Đàn Ca Huế, Đàn Hát Dân ca Việt Nam. Ảnh: Học viện Âm nhạc Huế

Để tạo bản sắc riêng, Học viện Âm nhạc Huế đã thành lập Khoa Âm nhạc Di sản đào tạo các chuyên ngành Nhã nhạc, Đàn Ca Huế, Đàn Hát Dân ca Việt Nam, qua đó đáp ứng được với yêu cầu ngày càng cao của xã hội và sự phát triển của ngành giáo dục - đào tạo.

Trong những năm qua, Học viện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường công tác quản lý đào tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy đối với tất cả các ngành, bậc học và loại hình đào tạo. Học viện đã tiếp cận với các nhà sử dụng nhân lực là các cơ sở giáo dục đào tạo, sở văn hóa, thể thao, trung tâm văn hóa, đoàn nghệ thuật...v.v.. để tìm hiểu nhu cầu từ đó thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, đáp ứng được nhu cầu của người học. Việc mở rộng các hoạt động đào tạo của Học viện, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực của lĩnh vực âm nhạc, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên âm nhạc cho các địa phương theo nhu cầu. 

Học viện Âm nhạc Huế đã thực hiện một số chính sách huy động các nguồn lực xã hội, tìm nguồn tài trợ để phát triển giáo dục như đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu Học viện. Học viện cũng đã đề ra các giải pháp để thu hút người học, liên kết với các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi và các tổ chức, cá nhân hoạt động âm nhạc để tìm kiếm nguồn tuyển. 

Tăng cường hợp tác, đối ngoại và giao lưu quốc tế

Công tác hợp tác, đối ngoại và giao lưu quốc tế trong những năm qua là một trong những hoạt động quan trọng của nhà trường, Học viện đã có nhiều cố gắng để nâng cao hiệu quả công tác này nhằm đóng góp tích cực cho công tác đào tạo. Các đoàn của học viện đi biểu diễn tại các nước: Trung Quốc, Thái Lan, Vương quốc Anh, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản và đã được công chúng, cơ quan bạn khen ngợi, đánh giá cao. 

Để đáp ứng với hướng chiến lược trong đào tạo là phát triển ngành Dân tộc nhạc học (Âm nhạc dân tộc học), trong giai đoạn này Học viện ưu tiên đặt quan hệ ngoại giao với các nước nhằm mục đích đưa hợp tác quốc tế góp phần tích cực thực hiện mục tiêu đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao, ngang tầm khu vực, từng bước đạt trình độ quốc tế. Học viện Âm nhạc Huế đã ký kết hợp tác với các cơ sở ở nước ngoài như: Học viện Nghệ thuật Vân Nam, Học viện Sư phạm Quảng Tây, Nhạc viện Trung Quốc (Trung Quốc); Đại học Mahasarakham, Trường Đại học Khon Kaen, Trường Đại học Udon Thani (Thái Lan), Học viện Krakov (Ba Lan), Đại học Công nghệ Đài Nam (Đài Loan, Trung Quốc).

Trong đó, Học viện đã tổ chức hai Hội thảo quốc tế lớn: “Đào tạo chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học tại Học viện Âm nhạc Huế” và “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế”, với sự tham gia của các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… và đã được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như về giá trị khoa học của những hội nghị này; Đồng thời hoàn thành các công trình khoa học công nghệ cấp Bộ: “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng Hò Bả Trạo” (Nghiên cứu trường hợp một số tỉnh Nam Trung Bộ), “Đưa di sản Âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào đào tạo tại Học viện Âm nhạc Huế”. 

Sinh viên của trường đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Nguồn: Học viện Âm nhạc Huế

Đa dạng các loại hình đào tạo, đào tạo đi đôi với thực hành

Nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, học viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo trong khu vực và cho Nhà trường, Học viện đã thực hiện đào tạo các loại hình đa dạng chính qui, không chính qui trong đó bao gồm các loại hình vừa làm vừa học, văn bằng 2, liên thông từ cao đẳng lên đại học hình thức vừa làm vừa học. Trong quá trình đào tạo học viện thường xuyên rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giảng dạy nhằm mục đích chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thực tiễn của địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. 

Với chương trình đào tạo theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, Học viện đã thành lập Dàn nhạc Kèn, đưa Dàn nhạc Dân tộc tổng hợp, Dàn hòa tấu Guitare và Dàn nhạc Trẻ của sinh viên biểu diễn tại Công viên Thương Bạc, Công viên 3/2 - Thành phố Huế vào những ngày cuối tuần để phục vụ công chúng Huế và khách Du lịch đến Huế, qua đó nâng cao sự hiệu quả công tác đào tạo. Các HSSV đã tích cực học tập, tham gia các hoạt động sáng tác, biễu diễn, giao lưu… qua đó rèn luyện kỹ năng thực hành biểu diễn, bản lĩnh sân khấu và nâng cao trình độ chuyên môn. 

Giảng viên, sinh viên của trường đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật. Gần đây nhất, năm 2017, tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Thanh Hóa, giảng viên Mai Thị Hồng Nga đạt Huy chương Vàng độc tấu đàn Tranh; giảng viên Nguyễn Văn Vui đạt Huy chương Vàng độc tấu đàn Bầu; sinh viên Nguyễn Thị Phong (ĐH3 Thanh nhạc) vào vòng chung kết Sao mai (dòng nhạc nhẹ), đạt giải nhất Giọng ca Xứ nghệ (dòng nhạc nhẹ); Hồ Phương Liên (ĐH3 Thanh nhạc) đạt giải Á quân Thần tượng Bolero. 

Tại Hội thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch lần thứ III do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Nguyễn Thị Mỹ Ly (ĐH4 Thanh nhạc) đạt giải A, Trần Thị Ý Nhi (ĐH4 đàn Tranh) đạt giải A, Nguyễn Công Cường (ĐH2 đàn Bầu) đạt giải B, Hoàng Thị Huyền (ĐH1 Thanh nhạc) đạt giải B, Cao Thị Minh Nguyệt (ĐH1 Thanh nhạc) đạt giải C, Nguyễn Nhật Thảo Vy (Trung cấp 7 Piano) đạt giải Khuyến khích, Nhóm sinh viên khoa Âm nhạc Truyền thống đạt giải B hòa tấu dàn nhạc dân tộc, Nhóm Trio sinh viên khoa Giao hưởng đạt giải C…

Nhìn chung sự phát triển ở các bậc học, chuyên ngành và trình độ đào tạo của Học viện trong những năm qua đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người học, đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp đội ngũ nhạc sĩ sáng tác, cán bộ nghiên cứu, phê bình âm nhạc, nghệ sĩ biểu diễn và đội ngũ giáo viên giảng dạy âm nhạc cho các cơ sở giáo dục của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Sinh viên sau tốt nghiệp đa số có việc làm phù hợp chuyên môn được đào tạo, bổ sung vào đội ngũ giáo viên âm nhạc cho các trường phổ thông, đã tham gia các sinh hoạt, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tham gia công tác giáo dục thẩm mỹ âm nhạc và đạt nhiều thành quả bước đầu góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân cho khu vực miền Trung và phạm vi cả nước./.

Việt Đức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×