Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

24/02/2015 | 15:58

Tính đến ngày 5 Tết, các hoạt động văn hóa-nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, thể thao truyền thống được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, chú trọng nâng cao chất lượng nghệ thuật. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và các tỉnh/thành đã hoàn thành kế hoạch biểu diễn xung kích tại các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo... với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Các hoạt động phục vụ kỳ nghỉ lễ của ngành du lịch được triển khai chủ động, nhiệt tình, chu đáo, hiếu khách, được khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước ghi nhận và đánh giá cao

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015; Công điện số 115/CĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội và Công văn số 7541-CV/BTGTW ngày 08 tháng 01 năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hoá, văn nghệ Xuân Ất Mùi năm 2015, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo toàn Ngành tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, thể thao, tăng cường kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Ất Mùi vui tươi, an toàn, tiết kiệm, thiết thực chào mừng Kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính đến ngày 5 Tết, trên địa bàn cả nước, các hoạt động văn hóa-nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, thể thao truyền thống được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, chú trọng nâng cao chất lượng nghệ thuật. Các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và các tỉnh/thành đã hoàn thành kế hoạch biểu diễn xung kích tại các vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo... với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”. Nhiều nét văn hóa đẹp trong dịp Tết được phát huy và nhân rộng: thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ; lễ hội thư pháp và xin chữ, cho chữ đầu năm; Tết trồng cây; gặp gỡ, thăm hỏi các bậc lão thành cách mạng, cựu tù chính trị, văn nghệ sĩ tiêu biểu... Các điểm tổ chức bắn pháo hoa tại các địa phương được tổ chức bảo đảm an toàn, đúng quy định, phục vụ nhân dân thời khắc giao thừa, đón chào năm mới.

Các hoạt động phục vụ kỳ nghỉ lễ của ngành du lịch được triển khai chủ động, nhiệt tình, chu đáo, hiếu khách, được khách du lịch quốc tế và khách du lịch trong nước ghi nhận và đánh giá cao. Hầu hết các khu vực trọng điểm du lịch đều có lượng khách tăng so với cùng kỳ năm 2014. Khách du lịch trong nước đến các khu du lịch nổi tiếng tăng từ 5-10%. Trong điều kiện du lịch thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta dịp Tết không biến động nhiều. Tuy lượng khách Nga vẫn giảm, nhưng lượng khách Trung Quốc đến các tỉnh ven biển miền Trung tăng đột biến. Lượng khách Việt Kiều về thăm quê hương và khách trong nước đi du lịch nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm 2014. Ước tính trong kỳ nghỉ Tết, lượng khách du lịch quốc tế đến các tỉnh/thành đạt trên 450 ngàn lượt; tổng lượng khách du lịch nội địa ước đạt 8 triệu lượt (trong đó khoảng 1/3 là khách du lịch có lưu trú; 2/3 là khách du lịch trong ngày).

CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

Ban hành văn bản quản lý nhà nước


- Công văn số 4702/BVHTTDL-TTr ngày 24 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2015 đảm bảo lễ hội tại địa phương vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống.

- Công văn số 71/BVHTTDL-VHCS ngày 12/01/2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, lễ hội.

- Quyết định 89/QĐ-BVHTTDL ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân và chào năm mới 2015.

- Quyết định số 96/QĐ-BVHTTDL ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2015) và mừng Xuân Ất Mùi 2015.     

- Công văn số 208/BVHTTDL-TCTDTT ngày 21 tháng  01 năm 2015 chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao “Mừng Đảng, mừng Xuân Ất Mùi 2015”.  

- Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành tiêu chí, thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở cơ sở.

- Công văn số 09-CV/BCSĐ ngày 12/02/2015 của Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

- Công văn số 556/BVHTTDL-VHCS ngày 12/02/2015 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ

- Ngay trước Tết Nguyên đán, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thông tin với các cơ quan báo chí về kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội, định hướng năm 2015.

- Kịp thời ban hành 06 văn bản về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội và các nội dung liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh/thành; ban hành bộ tiêu chí huớng dẫn đánh giá công tác quản lý và tổ chức lễ hội làm căn cứ để các địa phương vận dụng triển khai thực hiện ngay từ đầu mùa lễ hội năm 2015. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống thảm họa, phòng, chống cháy nổ, hỏa hoạn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động lễ hội. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch, đặc biệt là hoạt động lễ hội. Điều chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, vùng, miền, dân tộc. Hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội.

- Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành tăng cường công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015; chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật lập Kế hoạch và tổ chức đi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân, ưu tiên biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Công tác thanh tra, kiểm tra trong dịp Tết

- Trước Tết Nguyên Đán Ất Mùi, các Đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn (08 đoàn) tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội tại 20 điểm di tích. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo, ban hành các văn bản chuyên đề hoặc lồng ghép trong các văn bản chỉ đạo điều hành chung của UBND tỉnh/thành về tổ chức đón Tết Nguyên đán có nội dung yêu cầu đảm bảo văn minh, an toàn, trật tự trong hoạt động lễ hội trên địa bàn; chỉ đạo các cấp chính quyền xây dựng kế hoạch cụ thể việc tổ chức đối với từng lễ hội; thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội, phân rõ trách nhiệm, có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế của năm trước. Nhiều lễ hội, các tập tục xưa được phục dựng; kịch bản phần lễ, phần hội ngày càng hoàn chỉnh, phát huy được truyền thống văn hóa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Công tác kiểm tra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm thực hiện. Trước và trong dịp Tết, các địa phương đã lập kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung kiểm tra phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số lễ hội diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá các hàng hóa, dịch vụ; tăng cường kiểm tra các hoạt động dịch vụ nhạy cảm (karaoke, vũ trường, nhà hàng, quán bar...), giám sát và chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VHTTDL TẾT ẤT MÙI 2015

Các hoạt động văn hóa-nghệ thuật

Các địa phương trang hoàng đường phố và tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa đón năm mới như: tổ chức lễ hội truyền thống, phố Sách, phố Hoa, triển lãm, hội chợ Xuân, biểu diễn nghệ thuật, đón giao thừa và bắn pháo hoa chào mừng năm mới... tạo không khí tưng bừng, phục vụ nhân dân:

- Các di tích lịch sử văn hóa mở cửa phục vụ nhân dân tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống; tình hình an ninh - trật tự, môi trường - cảnh quan và việc thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích được đảm bảo, không xảy ra những hiện tượng vi phạm. Các bảo tàng tổ chức trưng bày chuyên đề “Mừng Đảng - Mừng Xuân”, trưng bày hình ảnh thành tựu kinh tế-xã hội và các dấu ấn, mốc sự kiện quan trọng của địa phương thu hút phục vụ nhân dân và thu hút khách tham quan.

- Ngay từ những ngày Tết Nguyên đán đầu Xuân 2015, không khí lễ hội đã diễn ra tưng bừng ở nhiều địa phương trong cả nước với nhiều loại hình lễ hội. Thời tiết đẹp trong dịp Tết tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại nơi công cộng được tổ chức theo đúng kế hoạch với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, nội dung phong phú, tập trung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và mùa xuân. Hầu hết các địa phương, đặc biệt là các địa phương có lễ hội tổ chức quy mô lớn đã ban hành văn bản về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, kịp thời chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội, chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hoá, tín ngưỡng, lễ hội; xây dựng nếp sống văn hóa trong sinh hoạt lễ hội, hướng dẫn các hộ kinh doanh không kinh doanh thực phẩm các loại thú rừng, động thực vật trong danh mục cấm, tiêu biểu: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Đồng Nai… Một số lễ hội lớn trong dịp đầu năm đã được kiểm tra phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề có liên quan khác. Lễ hội Chùa Hương 2015 (Mỹ Đức, Hà Nội) ra thông điệp: Lễ hội Kỷ cương - Văn minh du lịch; Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2015 (Nam Định) siết chặt công tác quản lý và tổ chức, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu lễ hội.

- Thực hiện chỉ đạo của Bộ, các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã và đang triển khai kế hoạch biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp, lực lượng vũ trang: Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam biểu diễn tại các xã, huyện miền núi tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn tại huyện Đại Từ và Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Nhà hát Múa Rối Việt Nam biểu diễn tại tỉnh Thái Nguyên và  Điện Biên, Nhà hát Cải Lương Việt Nam biểu diễn tại tỉnh Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức tại các xã, huyện miền núi tỉnh Tuyên Quang, Nhà hát Nhạc, Vũ Kịch Việt Nam biểu diễn tại tỉnh Sơn La, Hà Giang, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức biểu diễn tại các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn tại tỉnh Quảng Ninh, Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại các xã, huyện thuộc tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng yên, Yên Bái, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình, Hà Giang, Vĩnh Phúc. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Đà Nẵng, Quảng Nam...

Các đơn vị nghệ thuật của các địa phương xây dựng nhiều chương trình, tiết mục đặc sắc, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Các đơn vị nghệ thuật của thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa... tổ chức biểu diễn tại các điểm sinh hoạt công cộng của trung tâm thành phố gắn với hoạt động chào mừng 85 năm Ngày Thành lập Đảng và đón Giao thừa Tết Ất Mùi, đồng thời tổ chức các đội xung kích đi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 30/01 đến ngày 05/02/2015 trong phạm vi cả nước. Tổ chức chọn,  in, phát hành các phim truyện “Thầu Chín ở Xiêm”, “Người tình nguyện” và phim tài liệu “Những người cộng sản” gửi tới các rạp và các đội chiếu bóng lưu động. Một số phim truyện Việt Nam mới sản xuất được các Hãng phim đưa vào chương trình phim Tết để phục vụ đông đảo khán giả.

- Tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh ghi nhận và phản ánh mọi hoạt động trong cuộc sống đón mừng Xuân mới như: Triển lãm “Mỹ thuật - Nhiếp ảnh xuân Ất Mùi 2015”, Triển lãm ảnh “Chào xuân mới, Ất Mùi - 2015”, Triển lãm “Các tác phẩm mỹ thuật có kích thước nhỏ”. Trung tâm Văn hóa - Thông tin các tỉnh/thành phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật và các tổ chức, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức các cuộc triển lãm với chủ đề “Mừng Đảng - Mừng xuân”.

- Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức tốt Chương trình “Sắc xuân trên mọi miền tổ quốc”; Phiên chợ vùng cao; tổ chức cùng người nghèo ăn Tết, gói, tặng người nghèo trên 5.000 bánh chưng; tổ chức các hoạt động giao lưu của 100 Việt kiều với 100 đồng bào dân tộc...

- Các địa phương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Nhiều nép đẹp văn hoá truyền thống được tổ chức đón nhận sự hưởng ứng của nhân dân, tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật đón giao thừa đặc biệt với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”, Lễ hội Ngọc Hồi-Đống Đa (Hà Nội); Lễ  hội đón giao thừa Xuân Ất Mùi, Đường hoa, Đường sách, Lễ dâng cúng bánh Tét Quốc tổ Hùng Vương tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng (TP Hồ Chí Minh); Đêm Thơ, nhạc và mở phòng đọc báo Xuân, Hội hoa Xuân và triển lãm sinh vật cảnh (Hà Giang); Chương trình lễ hội “Yên Bái chào Xuân Ất Mùi - 2015” (Yên Bái); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và phát động Tết trồng cây (Phú Thọ); Lễ hội xuống đồng xây dựng nông thôn mới (Thái Nguyên); Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Hội Hoa Xuân, lễ hội đua ghe, chợ quê ngày Tết (Thừa Thiên Huế); Lễ hội ra quân nghề cá (Quảng Ngài); Triển lãm ảnh nghệ thuật “Nét đẹp xứ Trầm hương” và “Hội Bài Chòi Xuân Ất Mùi 2015” (Khánh Hòa); Hội đua thuyền độc mộc truyền thống (Kon Tum); Trưng bày triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”, Trưng bày triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam qua khói lửa chiến tranh” và chuyên đề “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” (Bà Rịa Vũng Tàu); Trưng bày các bộ sưu tập ảnh, tài liệu chủ đề “Một số hình ảnh hoạt động đời thường, Tết sinh nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Cao Lãnh xưa và nay”(Đồng Tháp); tổ chức Đường hoa, đường đèn (Kiên Giang); Triển lãm Thư pháp “Xuân an khang” (Đồng Nai); Hội Thi “Tiếng hát mùa xuân” và Liên hoan thời trang “Dáng xuân” năm 2015 (Bến Tre); Triển lãm trưng bày một số chuyên đề về Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà qua các thời kỳ (Sóc Trăng)…

- Trung tâm Văn hóa-Thể thao các tỉnh/thành, quận/huyện và xã/phường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao phục vụ nhân dân vui Tết. Hệ thống các bảo tàng tổ chức trưng bày giới thiệu kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), Mừng xuân Ất Mùi năm 2015... với nhiệu nội dung, chuyên đề tại bảo tàng và triển lãm lưu động tại các Hội hoa xuân, khu vui chơi giải trí, các di tích căn cứ cách mạng, khu công nghiệp tập trung... Thư viện các tỉnh/thành đồng loạt triển khai trưng bày, triển lãm Hội Báo Xuân phục vụ nhân dân trước, trong và sau tết Ất Mùi 2015. Các thư viện tỉnh phối hợp với Hội nhà báo tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các ban, ngành tổ chức Ngày hội báo xuân quy mô lớn với nhiều hình thức phục vụ phong phú thiết thực như: Triển lãm, trưng bày báo xuân, giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề… thu hút hàng chục vạn lượt người tham dự.

Các hoạt động thể dục, thể thao

Hoạt động Thể dục thể thao trong dịp Tết đã được các địa phương tổ chức tốt, chủ yếu là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian tái hiện các sinh hoạt vui chơi trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều địa phương đã sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức phục dựng lại nhiều trò chơi dân gian mang tính cộng đồng cao; có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá cổ truyền của dân tộc, thu hút hàng vạn người tham gia và cổ vũ. Nổi bật như: Tổ chức biểu diễn Võ cổ truyền, Vovinam trong chương trình Hội Báo Xuân năm 2015; Cần Thơ tổ chức múa Lân, giải Đua xe đạp thể thao người cao tuổi thành phố Cần Thơ mở rộng, giải Cờ tướng, Đua xe Mô tô tại Tuần Lễ Văn hóa - Thể thao “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Ẩt Mùi 2015”; các môn thể thao dân gian: Cờ vua, Cờ tướng, Đẩy gậy, Tung còn, Kéo co, Đua ghe, Đi cà kheo, Nhảy bao bố (Hà Nội, Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Nam Định, Bình Dương); tổ chức Liên hoan Lân-Sư-Rồng và biểu diễn Thể dục dưỡng sinh vào ngày mùng 4, 5 Tết (Hà Nam, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu); thi đấu giải diễn Võ thuật cổ truyền (Vovinam, Võ cổ truyền, Taekwondo), Thể dục dưỡng sinh, Yoga, Bài quạt Dương Gia 18 thức, Võ dưỡng sinh Bát Tiên Quyền (Sóc Trăng); biểu diễn Hiphop, Khiêu vũ thể thao (Hải Dương); Hội thi Chạy vượt đồi Mũi Né mùng 4 Tết; Long An tổ chức Hội thao Xuân Ất Mùi với 03 môn thể thao: Hứng bóng bằng lưng, Hứng bóng chung sức bằng lưng và Gánh nước tiếp sức; thi đấu Cờ Tư lệnh mùng 3 Tết (Điện Biên), giải Bóng đá mini (Hải Phòng, Nam Định); giải Đua thuyền truyền thống mở rộng mùng 4 Tết (Đồng Nai), giải Bóng đá mini, Việt dã (Đắk Nông), Cờ vua, Cờ tướng, Bóng chuyền (Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Nam), giải Bóng rổ Bạc Liêu mở rộng... Qua đó thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng và thi đấu.

Hoạt động du lịch

- Hoạt động phục vụ Tết của ngành du lịch diễn ra phong phú, sinh động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ du lịch và hỗ trợ du khách. Các địa phương đã tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát hoạt động và chất lượng dịch vụ du lịch của các đơn vị trên địa bàn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho du khách tại các khu, điểm, cơ sở du lịch; ngăn ngừa, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, những hành vi làm giảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tùy tiện tăng giá, phá hoạt môi trường, các tệ nạn xã hội... Hiện tượng chèo kéo, đeo bám khách du lịch đã giảm nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Các dịch vụ lữ hành, vận chuyển khách được đảm bảo, các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Việc duy trì đường dây nóng và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ khách du lịch đã được triển khai tốt tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... Các cơ sở lưu trú du lịch đã thực hiện tốt quy trình quản lý khách nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tính mạng và tài sản của khách khi lưu trú hoặc sử dụng các dịch vụ trong khách sạn, không có trường hợp lợi dụng cơ sở lưu trú để hoạt động các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm... Tăng cư¬¬¬ờng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường cả bên trong và bên ngoài khách sạn để luôn đảm bảo sự khang trang, sạch đẹp, hấp dẫn khách.

- Kỳ nghỉ Tết dài ngày, thời tiết thuận lợi, giá cước vận tải giảm, giá các mặt hàng tiêu dùng không tăng, tác động tích cực đến tâm lý và hoạt động tham quan, du lịch của nhân dân. Các cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương chủ động tổ chức tốt các hoạt động kiểm tra, giám sát nên công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho khách du lịch được đảm bảo tốt, không có hiện tượng giá cả dịch vụ tăng đột biến, không xảy ra vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Các doanh nghiệp du lịch đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức các hoạt động, các sự kiện, giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút và phục vụ khách. Các đơn vị đã bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển và điều kiện cần thiết để phục vụ khách trước, trong và sau dịp nghỉ lễ. Hầu hết các trọng điểm du lịch đều có lượng khách du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều địa phương đạt tổng thu từ du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2014. Các địa phương có tổng thu từ du lịch cao là: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang...

- Các địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh... vẫn dẫn đầu về kết quả hoạt động kinh doanh du lịch trong kỳ nghỉ Tết với tăng trưởng về lượng khách từ 10-18% so với cùng kỳ năm 2014, công suất sử dụng phòng khách sạn đều trên 50% (hạng cao cấp đạt trên 60%).

- Trong dịp nghỉ Tết không có hiện tượng giá cả dịch vụ tăng đột biến và không có sự cố xảy ra trong các hoạt động du lịch gây hậu quả nghiêm trọng. Tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 01 trường hợp cướp giật đồ dùng của khách quốc tế, 01 trường hợp khách quốc tế ngã bị thương và 01 khách du lịch người Anh tử vong tại khách sạn (khách sạn Hoàng Yến, đường Phạm Ngũ Lão). Tất cả các trường hợp trên đều đã được xử lý kịp thời, đúng quy định.

ĐÁNH GIÁ CHUNG

Ưu điểm

- Các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ nhân dân đón Tết.

- Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao Tết Ất Mùi 2015 được tổ chức rộng khắp, tập trung phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bà con Việt kiều về quê hương với nội dung phong phú, hấp dẫn, phù hợp; các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được chú trọng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thiết thực góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội.

- Công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời theo đúng tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư và Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ban quản lý các di tích, các cơ sở tín ngưỡng đã có nhiều cố gắng trong công tác tổ chức phục vụ nhân dân đi lễ đầu năm. Mặc dù chưa hạn chế được triệt để nhưng nhìn chung nhận thức và hành vi của người dân trong sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng đã có sự chuyển biến rõ rệt so với mùa lễ hội 2014 và những năm trước.

- Các điểm bắn pháo hoa được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thực hiện đúng quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn, chủ yếu sử dụng kinh phí từ các nguồn xã hội hóa.

- Ngành du lịch phát huy được tính chủ động, năng động trong quảng bá, xây dựng và cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm du lịch mới; tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách du lịch; nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật thiết thực được tổ chức phục vụ bà con Kiều bào về quê hương đón Tết.

Hạn chế

- Một bộ phận người tham gia lễ hội, thực hành tín ngưỡng chưa thực hiện tốt nếp sống văn minh, đốt đồ mã, xả rác không đúng nơi quy định; tại một số di tích dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông của du khách chưa được tổ chức, quản lý tốt.

- Nạn cờ bạc trá hình, đốt pháo nổ, say rượu bia dẫn đến đánh nhau, gây tai nạn giao thông còn xảy ra, chủ yếu là khu vực nông thôn.

- Một số khu du lịch, điểm di tích do hạn chế về điều kiện hạ tầng nên còn xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ. Một vài khu vui chơi giải trí tập trung đông người, tình trạng lộn xộn, mất trật tự vẫn còn.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SAU TẾT VÀ THÁNG 3/2015

- Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập các đoàn thanh tra đột xuất tại các địa bàn trọng điểm, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, đốt đồ mã, đổi tiền lẻ chênh lệch trong di tích và các hành vi vi phạm pháp luật trong lễ hội. Phối hợp các ngành chức năng để có giải pháp, chỉ đạo đồng bộ về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm nơi lễ hội.

- Chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 2015 (IPU 132).

- Tập trung tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng môi trường du lịch, cải thiện điểm đến thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch./.

CTTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×