Hoạt động giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Đổi mới và thích ứng với đại dịch COVID-19
24/06/2021 | 14:29Trong bối cảnh chung của Đại dịch COVID-19, hầu hết các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề và đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Cùng với đó thì nhu cầu tham quan, tìm hiểu các bảo tàng, di tích vẫn ngày càng cao. Vậy làm thế nào để vừa đáp ứng được nhu cầu của công chúng, vừa duy trì được các hoạt động của bảo tàng? Đó là khó khăn, thách thức đặt ra cho gần 170 bảo tàng (1) trên phạm vi cả nước hiện nay.
Thực hiện mục tiêu, thông điệp mà Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM) đưa ra nhân ngày Quốc tế bảo tàng năm 2021: “Tương lai của các Bảo tàng: Phục hồi và đổi mới” - các bảo tàng, di tích cùng tăng cường, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để tạo ra các giá trị mới cho di sản văn hóa, đề xuất giải pháp, mô hình hoạt động mới trong bối cảnh COVID-19(2) và để thích ứng với điều kiện bình thường mới, năm 2021, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) tiếp tục điều chỉnh và đa dạng hóa, đổi mới nhiều lĩnh vực hoạt động để tạo sự kết nối, đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm có ý nghĩa cho công chúng. Trong đó, tiêu biểu là hoạt động giáo dục của bảo tàng.
1. Đa dạng hóa nội dung, hình thức, chất lượng các chương trình giáo dục
Trong những năm qua, hoạt động giáo dục của BTLSQG qua mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học Lịch sử” tại bảo tàng dành cho học sinh phổ thông và sinh viên, học viên các trường đại học, học viện quân sự... đã thực sự trở thành “thương hiệu” của bảo tàng. Khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở Việt Nam đầu năm 2020, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội của Chính phủ và Thành phố Hà Nội, bảo tàng phải tạm thời đóng cửa, điều đó đồng nghĩa với việc các chương trình giáo dục tại bảo tàng (theo lịch/ kế hoạch đã đăng ký từ đầu năm) phải tạm thời dừng lại. Để kịp thời “thích ứng” với tình hình lúc đó, ngay từ tháng 4/2020, BTLSQG đã nghiên cứu, thử nghiệm hình thức “Giờ học lịch sử online” qua ứng dụng Zoom và nhận được những hiệu ứng, phản hồi tích cực từ phía học sinh, phụ huynh và giáo viên. Ở giai đoạn này, nội dung các chương trình giáo dục được tập trung xây dựng, khai thác, thử nghiệm ở phần Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại (từ thời kỳ Tiền sử đến triều Nguyễn, thế kỷ 19 - 20). Sau mỗi một khóa học online từ 5 đến 10 buổi với các chủ đề: Tiến trình Lịch sử Việt Nam; Kinh đô cổ Việt Nam; Tìm hiểu các nhân vật lịch sử Việt Nam tiêu biểu... các em học sinh sẽ được tham gia buổi Gala tổng kết tại BTLSQG (khi dịch COVID-19 tạm bình ổn và Bảo tàng mở cửa trở lại). Đây là dịp để các cô giáo - cán bộ giáo dục của BTLSQG và các em học sinh có cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với nhau, bởi trước đó, cô và trò chỉ được gặp, trao đổi, giao tiếp cùng nhau qua màn hình máy tính/thiết bị công nghệ mà chưa một lần gặp mặt. Đến với buổi Gala tổng kết tại bảo tàng, các em được tận mắt chiêm ngưỡng, quan sát các hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo đang trưng bày tại BTLSQG mà trước đó mới chỉ được nhìn qua hình ảnh, nghe các cô giới thiệu, kể câu chuyện liên quan đến hiện vật trong các giờ học online. Đặc biệt hơn, trong buổi Gala tổng kết các em còn nhận được những món quà nhỏ dễ thương - phần thưởng tương ứng với những ngôi sao điểm 10 mà các em đã giành được trong các buổi học online trước đó.
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID tạm bình ổn, song song với việc thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục, trải nghiệm trực tiếp tại bảo tàng cho học sinh theo 2 khối Nhà trường và Gia đình, BTLSQG vẫn duy trì tổ chức các chương trình “Giờ học lịch sử online” dành cho các bạn nhỏ chưa có điều kiện đến bảo tàng tham quan, học tập. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021, BTLSQG đã tổ chức được với 94 buổi Giờ học lịch sử tại bảo tàng cho 4.756 học sinh và với 90 buổi Giờ học lịch sử online cho 650 học sinh.(4) Đồng thời, BTLSQG cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình giáo dục mới, mở rộng ra phần Lịch sử Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại (từ đầu thế kỷ 20 đến ngày nay) và chú trọng việc đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức nhằm tạo ra những “sản phẩm” giáo dục mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của công chúng.
Năm 2021 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021); 80 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021). Đó là lý do và là ý tưởng ban đầu để Phòng Giáo dục, Công chúng của BTLSQG bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục mới mang tên “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” dành cho đối tượng công chúng là học sinh khối tiểu học. Chương trình gồm 5 buổi học gắn với 5 chủ đề tìm hiểu về những tấm gương anh hùng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc... Đó là những anh hùng tuổi nhỏ nhưng vô cùng mưu trí, dũng cảm, đã hy sinh và cống hiến cả tuổi xuân của mình cho mùa xuân đất nước, đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
Sức hấp dẫn của chương trình này không chỉ có nội dung gắn liền với các nhân vật lịch sử các em nhỏ đã từng được biết, được nghe, được học ở trường mà còn hấp dẫn ở nội dung, cách truyền tải cô đọng, súc tích và các giao diện bài giảng được thiết kế sinh động, hấp dẫn thông qua bốn phần chính: Nhân vật lịch sử, Câu chuyện lịch sử, Hiện vật lịch sử và Di tích lịch sử... giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ về các nhân vật lịch sử. Đặc biệt, phần cuối chương trình là những trò chơi trải nghiệm với những câu hỏi đua tài trí tuệ gắn liền với chủ đề buổi học được xây dựng, thiết kế sinh động, hấp dẫn và phù hợp với lứa tuổi của các em.
Chương trình “Giờ học lịch sử online” mang tên “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” đã được hoàn thành và đưa vào tổ chức thực hiện, kịp thời phục vụ, đáp ứng nhu cầu của các em học sinh đúng vào dịp nghỉ hè khi mà năm nay các em phải ở nhà thay vì được đến bảo tàng, đi tham quan, dã ngoại hay nghỉ mát... giống như các kỳ nghỉ hè trước đó bởi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy mới chỉ bắt đầu đưa vào giảng dạy từ tháng 6/2021, với 2 chủ đề: “Tìm hiểu nhân vật lịch sử Kim Đồng” và “Anh hùng Lý Tự Trọng”, nhưng BTLSQG đã nhận được những phản hồi, hiệu ứng rất tích cực từ phía học sinh và phụ huynh, hiện nay số lượng đăng ký tham gia chương trình đã rất đông và các bạn nhỏ đang chờ đợi đến lượt mình được tham gia các “Giờ học lịch sử online” bổ ích, hấp dẫn do chính các cán bộ giáo dục của BTLSQG tổ chức, thực hiện.
Để được tham gia Chương trình “Giờ học Lịch sử online” miễn phí của Bảo tàng, quý khách có thể liên hệ qua số điện thoại: 024.3.8257753, hoặc đăng ký trực tiếp qua email: phonggdcc.btlsqg@gmail.com.
2. Giới thiệu trưng bày online
Để thích ứng với bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, cùng với việc duy trì các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm nguyên tắc vừa phòng chống dịch vừa giới thiệu những di sản văn hóa tới công chúng một cách hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo tàng đã có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp để tiếp cận, đáp ứng nhu cầu và phục vụ công chúng. Không chỉ kéo dài thời hạn các trưng bày chuyên đề (để đến khi dịch bệnh được kiểm soát, khách tham quan trở lại sẽ được tiếp tục phục vụ), bảo tàng còn chuyển hướng xây dựng, giới thiệu online 02 trưng bày chuyên đề: “Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa” và “Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội”.
Có thể nói, trưng bày ảo 3D, trưng bày online là một hình thức không mới ở nhiều bảo tàng, di tích ở Việt Nam trong một vài năm gần đây, nhất là từ khi dịch COVID -19 bùng phát. Đây là phương thức tiếp cận công chúng thông qua việc ứng dụng công nghệ, tư liệu số, sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa trên không gian số góp phần từng bước hiện đại hóa, đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, đồng thời góp phần duy trì đảm bảo phục vụ công chúng trong tình hình diễn biến của Đại dịch COVID-19 hiện nay.
Các trưng bày chuyên đề online được cán bộ BTLSQG thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ từ khâu xây dựng nội dung, kịch bản, nội dung thuyết minh cho đến việc lựa chọn góc quay cho từng không gian/ mảng, tủ trưng bày/ hiện vật trưng bày... Với giọng đọc thuyết minh trầm ấm của chính các cán bộ giáo dục bảo tàng cùng phụ đề tiếng Anh kết hợp với những hình ảnh 3D hiện vật đặc sắc và không gian trưng bày hết sức sinh động, chân thực, thông qua trưng bày chuyên đề online, BTLSQG mong muốn đem đến cho công chúng những trải nghiệm/ khám phá, ấn tượng và cảm xúc về hiện vật/ di sản dù không thể đến tham quan trực tiếp tại Bảo tàng.
Hiện nay, trưng bày chuyên đề online “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng, được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của bảo tàng. Thông qua cách kể chuyện hấp dẫn như “Di tích Bãi Cọi là gì?”; “Đánh thức cụm di tích Bãi Cọi”; “Bí ẩn trong những ngôi mộ Chum”; “Hiện vật kể chuyện: Bãi Cọi- nơi gặp gỡ các nền văn hóa” hay “Độc đáo trang sức Bãi Cọi”... những bí ẩn về di tích Bãi Cọi thời tiền sơ sử Việt Nam cách ngày nay hơn 2000 năm lần lượt được giải mã thông qua các hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo, có giá trị đang trưng bày tại BTLSQG. Hy vọng rằng, trưng bày online “Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa” sẽ đem lại cho công chúng những khám phá, trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn. Quý khách có thể dễ dàng tham quan trưng bày này qua website trực tuyến của BTLSQG tại địa chỉ: http://baotanglichsu.vn/vi/Video/232/trung-bay-chuyen-dje-bai-coi-noi-gap-go-cac-nen-van-hoa.html
Bên cạnh việc đa dạng hóa, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức chương trình giáo dục và giới thiệu trưng bày chuyên đề online, hiện nay BTLSQG đang khẩn trương số hóa hiện vật/ trưng bày bảo tàng để tạo ra những sản phẩm trưng bày, giáo dục chất lượng, hấp dẫn phục vụ công chúng.
Cùng với Bảo tàng ảo 3D giới thiệu một phần hệ thống trưng bày thường trực và một số trưng bày chuyên đề: Việt Nam thời kỳ Tiền sử; Việt Nam thời kỳ dựng nước; Việt Nam thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần; Văn hóa Óc Eo-Phù Nam; Chuyên đề Đèn cổ Việt Nam; Chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam được thực hiện và đưa vào phục vụ công chúng từ 2013, hiện nay BTLSQG đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng nội dung, cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa 20 Bảo vật quốc gia và chuẩn bị đưa vào thử nghiệm Trưng bày chuyên đề ảo 3D “Bảo vật quốc gia” để phục vụ công chúng(3). Tiếp nối dự án số hóa bảo tàng, hiện nay bảo tàng đang tiếp tục cập nhật nội dung, công nghệ, xây dựng hoàn thiện số hóa 3D toàn bộ hiện vật, sưu tập hiện vật, các phần trưng bày cố định tại hệ thống trưng bày thường trực và giới thiệu trực tuyến tại Website http://baotanglichsu.vn để quảng bá rộng rãi hơn đến công chúng trong nước và quốc tế.
Như vậy có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa, không ngừng đổi mới các hoạt động bảo tàng để gắn kết, tạo sự kết nối, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng đang là giải pháp mà nhiều bảo tàng trong nước và quốc tế đang tích cực triển khai. Trong đó, việc đổi mới, đa dạng hóa hình thức, nâng cao chất lượng nội dung các hoạt động giáo dục của BTLSQG đã một lần nữa thể hiện sự nỗ lực thích ứng của bảo tàng trong việc đổi mới các hoạt động của bảo tàng một cách hiệu quả nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của đông đảo công chúng trong bối cảnh đại dịch COVID-19./.
Nguồn tham khảo:
(1)Số liệu thống kê của Cục Di sản Văn hóa, năm 2020.
(2)Nguồn:https://culture360.asef.org/resources/unesco-and-icom-new-research-impact-covid-19-shutdown-museums-worldwide/(Nghiên cứu của UNESCO và ICOM về ảnh hưởng của COVID-19 đối với sự đóng cửa của nhiều bảo tàng trên thế giới)
(3)http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3090/72229/hoat-dong-cua-bao-tang-lich-su-quoc-gia-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi.html
(4)Số liệu thống kê hoạt động giáo dục thường niên tại BTLSQG.