Hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo
06/08/2024 | 16:57Chiều 5/8, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo hiện hành. Luật Quảng cáo được Quốc hội Khóa XIII thông qua vào năm 2012, qua 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giúp hoạt động quảng cáo của nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo, đặc biệt là mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng để truyền tải các nội dung quảng cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.
Mặt khác, đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, tại nhiều quốc gia đã yêu cầu phải quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, tại Luật Quảng cáo hiện hành chưa quy định nội dung này, chỉ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành và tại một số luật chuyên ngành, gây mâu thuẫn, chồng chéo.
Các quy định về điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt cũng chưa cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.
Cũng tại hội thảo, một số ý kiến cũng tán thành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, ngoài trời, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới…để bắt kịp với sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển thuận lợi.
Theo quy định tại dự thảo Luật, các phương tiện quảng cáo được thống kê vào 7 nhóm, trong đó có nhiều loại phương tiện khác nhau, nhưng nếu phân chia theo tính năng, công nghệ thực hiện có thể chia thành hai nhóm là quảng cáo truyền thống và quảng cáo sử dụng công nghệ. Hai loại hình quảng cáo này do hai Bộ quản lý (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông).
Do vậy, một số ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm điều chỉnh thống nhất, đồng bộ các phương thức quản lý giữa hai loại phương tiện quảng cáo truyền thống và sử dụng công nghệ, bảo đảm nguyên tắc loại hình nào có rủi ro cao hơn thì cần quản lý chặt hơn, loại hình nào có nguy cơ thấp nên được đơn giản hóa cách thức quản lý.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho ý kiến để hoàn thiện quy định về giải thích từ ngữ; đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời; trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo…
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Quảng cáo hiện hành, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Tuy nhiên trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo…
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đánh giá cao các ý kiến của đại diện bộ, ngành, hiệp hội, viện nghiên cứu… đã cung cấp những thông tin đa chiều, khách quan và hữu ích cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
Đồng thời, đề nghị Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội tổng hợp trung thực, khách quan, khoa học các thông tin để xây dựng báo cáo phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 36 tới đây./.