Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan

15/09/2022 | 15:19

Trong 3 ngày, từ ngày 15-17/9 tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả, Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được thông qua với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Để đảm bảo hiệu lực đồng thời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản quy định chi tiết, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2022 về quyền tác giả, quyền liên quan, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11/2022.

Hội nghị được tổ chức nhằm giới thiệu các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; bảo hộ bản quyền tác giả góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; giới thiệu các quy định về thực thi, xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Đây cũng là cơ hội để Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các đại biểu, đại diện các Bộ, ngành, địa phương nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh 1.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị (ảnh: Nam Nguyễn)

Hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Để hoàn thiện hành lang pháp lý giải quyết những vấn đề này, cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ VHTTDL đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 02 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT).

Theo đó, Việt Nam là thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17/02/2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 01/7/2022. Đây cũng là những hành động cụ thể để góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: "Làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan sẽ góp phần khuyến khích sáng tạo, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Sự tồn tại và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan"

Theo số liệu khảo sát của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền, tại các nước phát triển như: tại Hoa Kỳ, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GDP khoảng 11,99%; Hàn Quốc là 9,89%; và các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp chiếm khoảng 7,35%, Malaysia là 5,7% và Thái Lan là 4,48% GDP. Những số liệu này cho thấy bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Để Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các cơ quan của Bộ VHTTDL tích cực phối hợp với các cơ quan của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 và Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng nhấn mạnh tới việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan và tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ở các cơ quan chức năng, đầu tư cơ sở vật chất để có đủ năng lực quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các Hiệp ước WCT, WPPT cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể để góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ được tiếp cận tới các nội dung mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như tham gia trao đổi, thảo luận và góp ý cho Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và các giải pháp tăng cường bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Các tham luận được trình bày tại Hội nghị đề cập đến các vấn đề như: Chính sách sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng hội nhập quốc tế, sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay và sự tương thích với pháp luật có liên quan; Các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Bảo hộ quyền tác giả trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; Những điểm mới về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Những điểm mới về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

Liên quan đến 02 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), các đại biểu sẽ tham gia cùng các diễn giả các chuyên đề: Thực tiễn khai thác, sử dụng nội dung số trên không gian mạng; Tổng quan về việc Việt Nam hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và giới thiệu các nội dung của Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT; Kinh nghiệm quốc tế về bảo hộ bản quyền trên không gian mạng...

Phương Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×