Hòa Bình: Sôi động thể thao dân tộc những ngày đầu Xuân
21/02/2024 | 09:59Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhân dân các dân tộc trong tỉnh lại cùng hòa vào không khí sôi động của các hoạt động giao lưu, thi đấu thể dục thể thao (TDTT). Trong đó, các môn thể thao dân tộc (TTDT) nói riêng dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người. Qua đó góp phần tạo không khí hân hoan, rộn ràng của những ngày đầu Xuân năm mới, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện sức khỏe của người dân...
Vừa qua, Đảng ủy, HĐND, UBND hai xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) tổ chức lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2024. Bên cạnh những giá trị văn hóa đậm nét truyền thống của lễ hội Gầu Tào thì hoạt động giao lưu một số trò chơi dân gian, môn TTDT như: ném pao, đánh tu lu, đi cà kheo, đẩy gậy... là điểm nhấn hấp dẫn khiến không khí lễ hội thêm vui vẻ, hào hứng. Không chỉ riêng nam thanh, nữ tú dân tộc Mông mà đông đảo người dân, từ già đến trẻ và du khách ai cũng háo hức tham gia giao lưu TDTT.
Vừa tranh tài một trận đấu đẩy gậy, chị Mùa Thị Trư, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò mừng rỡ chia sẻ: "Thấy mọi người ai cũng hào hứng, nhiệt tình tham gia giao lưu thể thao, tôi rất thích nên cũng mạnh dạn đăng ký tham gia thi đấu. Giao lưu trên tinh thần vui, khỏe là chính thế nhưng mỗi cuộc tranh tài không kém phần hấp dẫn và luôn tưng bừng bởi tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả. Hoạt động giao lưu TDTT đã đưa mọi người xích lại gần nhau”.
Không chỉ riêng lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông mà ở hầu hết các lễ hội hiện nay đều được tổ chức 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Trong phần hội, một hoạt động không thể thiếu đó là thi đấu các môn TTDT, trò chơi dân gian. Điển hình như: Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, lễ hội chùa Tiên, lễ hội Xên Mường...
Điểm chung của các môn TTDT là không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, không phân biệt giới tính, tuổi tác, quy tụ đông đảo mọi người cùng tham gia, nhất là vào dịp lễ, Tết. Nếu như môn đẩy gậy là sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh, sự khéo léo, kỹ thuật, tâm lý vững vàng thì môn bắn nỏ đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật, sức mạnh, tâm lý bình tĩnh, tính chính xác cao cùng sự khổ luyện mới có thể giương nỏ bắn trúng đích. Kéo co là môn thể thao thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết. Ném còn đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, khéo léo và là cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu, kết duyên của các cặp đôi nam thanh, nữ tú...
TTDT trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về không chỉ mang lại không khí vui tươi, hứng khởi chào đón năm mới mà còn góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy việc tập luyện TDTT, nâng cao sức khỏe để phục vụ học tập, lao động, sản xuất, phát triển sâu rộng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh.
Trong cuộc sống hiện nay, bên cạnh sự phát triển của nhiều môn thể thao, loại hình giải trí hiện đại, song các môn TTDT vẫn luôn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống và giữ vai trò quan trọng tại các lễ hội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm, chú trọng công tác gìn giữ, phát triển các môn TTDT. Giải bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy là giải thể thao truyền thống, được tỉnh tổ chức hàng năm, thu hút sự tham gia tranh tài của các hạt nhân tiêu biểu của phong trào TDTT tại cơ sở. Tại Đại hội TDTT các cấp, các môn TTDT như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy được đưa vào chương trình thi đấu. Ở các địa phương, người dân hăng hái, tích cực tập luyện các môn TTDT. Từ đó, tuyển chọn được lực lượng vận động viên tài năng, triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng, tham gia thi đấu tại một số giải, hội thi thể thao khu vực, toàn quốc và giành được không ít thành tích đáng tự hào.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2023, tỉnh ta có 835 câu lạc bộ TDTT cơ sở. Trong đó có 64 câu lạc bộ đẩy gậy và 60 câu lạc bộ bắn nỏ. Các câu lạc bộ duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định góp phần "giữ lửa” TTDT, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc...