Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững

13/06/2024 | 07:49

Ngày 12/6, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo "Hàng không – Du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân dân tổ chức nhằm phân tích thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay, cùng thảo luận để thiết lập các sáng kiến hợp tác một cách thực chất, hiệu quả và kiến nghị lên Chính phủ những giải pháp mới.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu: Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương… cùng với lãnh đạo các địa phương; các chuyên gia kinh tế; đại diện các hiệp hội ngành hàng không, du lịch; các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững  - Ảnh 1.

Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin, sau đại dịch Covid-19, với những giải pháp và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các hãng hàng không Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi hoạt động khai thác. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại chưa giải quyết hết vẫn là rào cản lớn khiến các hãng hàng không Việt Nam chưa thể phục hồi trạng thái như thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Cùng với đó, từ cuối năm 2023, những tác động từ việc chi phí đầu vào gia tăng và vấn đề biến động quy mô đội tàu bay là nguyên nhân chính đã gây ra những áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào những giai đoạn cao điểm.

Dù vậy, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số lượng tàu bay sụt giảm, cũng như việc phải cân đối khai thác đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách, về tổng thể khai thác thị trường hàng không ghi nhận sự tăng trưởng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Đây là kết quả khích lệ giao thương kết nối, đưa du khách quốc tế đến Việt Nam.

"Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không lữ hành, cá nhân, đơn vị quan tâm có thể chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến liên quan đến việc xây dựng và phát triển cầu nối giữa hàng không và du lịch. Nâng cao hiệu quả kết nối giữa các ngành, phát huy kết quả đạt được, cùng nhau đồng hành, chia sẻ hướng tới phát triển bền vững, lâu dài", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững  - Ảnh 2.

Uỷ viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo

Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch, hàng không giống như đôi cánh cùng góp phần phát triển kinh tế. Hàng không có nhiều ưu thế và được coi là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương và quan hệ quốc tế. Ngành hàng không tăng trưởng, thúc đẩy du lịch và là cơ hội cho hành khách khám phá các điểm đến mới.

Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của hàng không, hình thành nhu cầu cũng như dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến. Tuy nhiên, hiện nay, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không chủ yếu là do Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này còn quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn.

"Vậy nên, nhằm nhìn nhận sự phát triển của hàng không và du lịch, hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng để phát triển 2 ngành hiệu quả, đồng thời giúp Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ hình thành các chính sách, giải pháp mới, góp phần đưa ngành hàng không, du lịch phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, rất cần thiết xây dựng kế hoạch tổng thể, cấp quốc gia để có tác động dài lâu" – ông Lê Quốc Minh nói.

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững  - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ nhân dân, công tác phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19 đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương dẫn chứng, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, trong 5 tháng đầu năm, đón và phục vụ gần 7,6 triệu khách quốc tế, tăng 65% so với cùng kỳ 2023, đạt 40% mục tiêu đề ra là đón 18 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước hơn 352 nghìn tỷ đồng.

Việt Nam đã nhận 19 giải thưởng hàng đầu thế giới và 54 giải thưởng hàng đầu châu Á. Việt Nam đã 4 lần liên tiếp được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới", 5 lần liên tiếp được bình chọn là "Điểm đến hàng đầu châu Á" và à nhiều danh hiệu cao quý khác cho các điểm đến như Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), Mộc Châu (Sơn La),...

Ngành du lịch được xem là điểm sáng với những đóng góp tích cực quan trọng vào phục hồi kinh tế - xã hội chung của địa phương. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các hãng hàng không khi có đến 80% khách di chuyển bằng phương tiện này khi đi du lịch

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững  - Ảnh 4.

Quang cảnh Hội thảo

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế phát triển du lịch thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số bất cập, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội như: nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến những điểm đến xa giảm dần; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các điểm đến trong cùng khu vực; nhu cầu đi lại của khách du lịch bằng đường hàng không thể hiện tính mùa vụ ngày càng rõ rệt. Những xu hướng này tạo ra thách thức đối với cả hai ngành du lịch và hàng không...

Tại hội thảo, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, kinh tế; đại diện các hiệp hội ngành hàng không, du lịch; các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã chia sẻ những khó khăn, thách thức và đưa ra những đề xuất, kiến nghị để góp phần thúc đẩy sự phát triển, hợp tác du lịch và hàng không trong thời gian tới.

Hàng không - du lịch "bắt tay" cùng phát triển bền vững  - Ảnh 5.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên

Hội thảo gồm hai nội dung chính: Phiên tham luận: Nghịch lý giá vé máy bay tăng, hãng hàng không và công ty du lịch vẫn khó khăn; Phiên thảo luận: Sáng kiến hợp tác thực chất, hiệu quả giữa địa phương, doanh nghiệp hàng không, du lịch; Phát triển hài hòa các phương tiện vận tải trong hoạt động du lịch và kiến nghị Chính phủ những giải pháp hỗ trợ.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Vietnam Airlines, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát động du lịch nội địa trong mùa cao điểm./.

Thương Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×