Văn hóa

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tránh xảy ra sự cố tại các di tích lịch sử - văn hóa

21/07/2025 | 15:37

Ngày 21/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có Văn bản gửi UBND các xã, các đơn vị quản lý di tích, danh thắng tại Hà Nội về việc phòng chống thiên tai tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, thực hiện Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL ngày 19/7/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc tập trung ứng phó với bão số 3 năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND các xã, phường thuộc thành phố Hà Nội; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; các Ban Quản lý di tích: Di tích Danh thắng Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Hà Nội: Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tránh xảy ra sự cố tại các di tích lịch sử - văn hóa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cụ thể, các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố về công tác ứng phó bão số 3; kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện trong di tích; chủ động triển khai phương án bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian có cảnh báo lũ.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tránh xảy ra sự cố tại các di tích nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra; lập sơ đồ vị trí, danh mục thống kê các di vật, hiện vật bị hư hại sau khi sự cố xảy ra, làm cơ sở đối chiếu, phục hồi, khắc phục hậu quả và xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu có).

Đối với các di tích đã xuống cấp, đặc biệt là các di tích xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, nằm gần sông, hồ cần có biện pháp phòng chống thiên tai, ngập lụt. Đối với các di tích đang hạ giải hoặc đang trong quá trình thi công, cần có biện pháp bảo vệ hiệu quả để tránh thiệt hại do bão lũ gây ra, bảo đảm an toàn trong suốt thời gian tu bổ, tôn tạo di tích.

Còn với các di tích ven sông, cần chủ động theo dõi sát diễn biến lũ qua các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo từ chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan để kịp thời có biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai các phương án ứng phó lũ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để di dời hiện vật, đồ thờ tự, tài liệu quan trọng đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục hậu quả theo hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường như: duy trì quét dọn vệ sinh thường xuyên tại di tích; bố trí điểm thu gom, vận chuyển rác thải đúng quy định; đảm bảo cảnh quan di tích xanh, sạch, đẹp.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhằm ổn định tình hình liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại di tích; kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân, Tiểu ban Quản lý di tích thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống thiên tai, và việc tu bổ, phục hồi di tích đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành.

Thương Nguyễn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×