Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Hà Nội: Quy hoạch và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa

02/11/2015 | 15:31

Sáng 26.10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa.

Ngày 3.7.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) với quy mô 860,4ha (vùng lõi 31,2ha; vùng trung 225,3ha; vùng ngoại 247,3ha; vùng biên 356,6ha).
Theo Quy hoạch, khu di tích Thành Cổ Loa rộng khoảng 860,4ha, nằm trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội). Cụ thể, phân vùng lõi của khu di tích rộng khoảng 31,2 ha, bao gồm thành Nội và khu cánh cung phía nam thành Nội, tập trung đậm đặc di tích tưởng niệm thời kỳ An Dương Vương. Phân vùng trung rộng khoảng 225,3 ha, từ thành Trung đến phân vùng lõi, tập trung phần lớn các thôn, xóm hiện hữu. Phân vùng ngoại rộng khoảng 247,3ha, từ hào thành Ngoại đến phân vùng trung, phần lớn là đất nông nghiệp và các thôn, xóm nhỏ rải rác. Phân vùng biên rộng 356,6ha, từ ranh giới quy hoạch vào đến phân vùng ngoại, đóng vai trò là vùng đệm của khu di tích.
 

Lễ công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích

Vùng bảo vệ di sản vật thể được xác định gồm 60 hạng mục với hai khu bảo vệ chủ yếu, trong đó khu bảo vệ I là ranh giới trực tiếp chứa di sản vật thể, trùng với ranh giới khuôn viên di tích đơn lẻ, quần thể di tích hoặc khu chứa di chỉ khảo cổ học…; khu bảo vệ II được xác định từ khu bảo vệ I trở ra. Các công trình kề cận với khu bảo vệ I và II sẽ phải tuân theo giới hạn về khối tích và hình thức kiến trúc để làm nổi bật vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa của di tích.

Định hướng quy hoạch khu di tích Thành Cổ Loa sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình “Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn”, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học. Trong không gian Nhân văn, cấu trúc định cư truyền thống, hình ảnh và lối sống làng xóm ở nông thôn vẫn được giữ gìn, nhưng kiến trúc nhà ở sẽ có sự kiểm soát cho phù hợp với cảnh quan. Một số hộ dân định cư trên đất lấn chiếm sẽ được đưa ra vùng tái định cư. Với giải pháp khai thông hệ thống mặt nước sông Thiếp, sông Hoàng Giang; phục dựng toàn bộ hệ thống hào, thành, đầm Cả, vườn thuyền Ao Mắm làm tuyến đường thủy tham quan di tích…, không gian sinh thái của khu di tích Cổ Loa hứa hẹn sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách tham quan. Dự kiến đến năm 2020, số lượng khách du lịch đến Khu di tích Cổ Loa là 229.000 lượt khách/năm; năm 2030 đạt 373.000 lượt khách/ năm.

Đối với không gian lịch sử, giải pháp bảo tồn được đưa ra là xây dựng chiến lược khảo cổ học dài hạn tại khu di tích, hình thành hệ thống các công viên di sản để mở rộng dần không gian khảo cổ; trưng bày các di chỉ hiện có (Xuân Kiều, Mả Tre, Bãi Mèn, Gò Đống Chuông…) dưới hình thức công viên khảo cổ. Hệ thống thành, hào từng bước được phục dựng, các di tích đơn lẻ được tôn tạo, đồng thời bổ sung di tích tưởng niệm Ngô Quyền. Các tuyến cảnh quan dọc thành và hào sẽ được xây mới để xâu chuỗi toàn bộ hệ thống 60 di sản vật thể và sử dụng không gian này cho mục đích sinh hoạt văn hóa cộng đồng, quảng bá, khai thác du lịch.

 
Phối cảnh tổng thể đồ án

Khái toán kinh phí thực hiện là khoảng 7.400 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách được ưu tiên để triển khai các chương trình phát triển hạ tầng; nhà ở, giãn dân, tái định cư; bảo tồn giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Chính phủ khuyến khích huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các chương trình.
Để triển khai nội dung Quy hoạch, lãnh đạo TP yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc và các sở, ban, ngành thành phố tập trung lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực thành Nội để đảm bảo ổn định cuộc sống của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu di tích; tập trung chỉnh trang hạ tầng, cảnh quan, bảo tồn các di tích chính như đình, đền, am tại khu vực trung tâm và xây dựng khu trưng bày để phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước, đồng thời tạo nên một không gian tổ chức lễ hội hằng năm; lựa chọn một khu vực thành, hào đặc trưng để bảo tồn, phục dựng lại để quảng bá cộng đồng, khai thác du lịch; đồng thời yêu cầu UBND huyện Đông Anh giám sát việc sử dụng đất và chống lấn chiếm trong khu di tích.

Có thể nói, việc triển khai Quy hoạch mở ra cơ hội vàng cho chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa theo hướng hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Nguồn Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×