Hà Giang: Bản sắc văn hoá dân tộc là điểm tựa chống lại sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai
14/04/2015 | 15:05Phát biểu tại buổi làm việc ngày 11/4 với lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, Hà Giang đã và đang đi đúng hướng khi xác định bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các dân tộc là nền tảng vững chắc, là điểm tựa tạo nên sức kháng cự mạnh mẽ trước sự xâm lấn của văn hóa ngoại lai. Vừa bảo tồn, vừa cải biến, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, văn hóa Hà Giang trong bối cảnh mới luôn khẳng định bản sắc riêng có của mình, với nhiều giá trị truyền thống, không pha trộn và không dễ dàng mai một.
Báo cáo kết quả công tác VHTTDL trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua cho biết: Nhiều kết quả đạt được trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Bố Y (thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ); tiến hành khai quật khảo cổ (lần 2) và mở rộng diện tích khai quật đối với di tích khảo cổ Chùa Nậm Dầu (xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên). “Tăng cường công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc các dân tộc được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử giá trị để phục vụ hoạt động du lịch; phát huy hiệu quả của di tích Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, Cổng trời Quản Bạ; triển khai thực hiện Dự án bảo tồn, tôn tạo phố cổ Đồng Văn...
Đáng chú ý, nhằm phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã trình Bộ VHTTDL phê duyệt đề cương nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tập trung xây dựng và phát triển các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, các làng văn hóa du lịch cộng đồng, sản phẩm văn hóa dân tộc đặc trưng theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; xây dựng tour du lịch Khám phá và trải nghiệm trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, tuyên truyền quảng bá trên các website của tỉnh...”, báo cáo khẳng định.
Dự kiến sẽ lựa chọn một số km trong con đường này để lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia
Tạo sức hút để Hà Giang trở thành điểm đến được yêu thích, theo Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, xuất phát điểm chính là bản sắc văn hóa, là những giá trị cảnh quan “trời phú” cùng nỗ lực sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị đó. Trên vùng đất địa hình cằn khô, Hà Giang vẫn khiến hàng triệu du khách phải ngỡ ngàng trước sức sáng tạo của con người khi cư dân cao nguyên đá đã biến những hốc đá lởm chởm, xám xịt trở thành nơi ươm mầm, nảy hạt, nuôi sống con người. Trồng ngô, tỉa bắp, gieo tam giác mạch..., hồ sơ Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang đã được công nhận là di sản quốc gia.
Nhiều chương trình bắt nguồn từ sức mạnh nội sinh của văn hóa bản địa cũng được khai thác tối đa như các mô hình đưa văn hóa các dân tộc thiểu số vào trường học, Festival Khèn Mông, kỷ niệm 50 năm hoàn thành Con đường Hạnh phúc... Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các đội nghệ thuật quần chúng thường xuyên tổ chức các chương trình làm phong phú đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Năm 2014, lượng khách du lịch đến Hà Giang năm 2014 và quý I/2015 đạt 777.960 lượt người, doanh thu đạt 719,1 tỉ đồng. Chất lượng lưu trú tại các cơ sở phục vụ khách du lịch được chú trọng cải thiện, nâng cấp. Tỉnh tiếp tục xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, định hướng 2030.
Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh cũng khẳng định, xác định rõ hướng đi từ bảo tồn các giá trị truyền thống, khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Hà Giang sẽ tiếp tục xây dựng những thương hiệu văn hóa với đặc thù riêng, ví như các kỳ Festival Khèn Mông, hay lễ hội hoa Tam giác mạch... Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đặc biệt mô hình nghệ nhân dân gian tại các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch khám phá...
Ông Triệu Tài Vinh đề nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ, ủng hộ một số vấn đề cụ thể như chủ trương xây dựng Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Hà Giang, “ngôi nhà” thu nhỏ của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; xây dựng cụm tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh tại mặt trận phía Tây Vị Xuyên nhằm tạo thành tam giác du lịch tâm linh, gồm Nghĩa trang Vị Xuyên, Chùa Nậm Dầu, Chùa Sùng Khánh...
Tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Bộ VHTTDL đồng ý chủ trương lập dự án và bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án nhà hát, rạp chiếu phim của tỉnh; hỗ trợ xây dựng hồ sơ di tích lịch sử Con đường Hạnh phúc là Di tích cấp Quốc gia; đăng ký và xây dựng hồ sơ Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Đồng Văn đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; hồ sơ di sản thổi và múa Khèn Mông đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia...
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ Hà Giang tiếp tục phát triển sự nghiệp VHTTDL trên địa bàn; đặc biệt trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; kêu gọi xúc tiến đầu tư; xây dựng thương hiệu văn hóa riêng, các sản phẩm du lịch đặc thù; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; đặc biệt là những nội dung liên quan đến phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trước đó, chiều 10.4, Bộ trưởng đã trực tiếp kiểm tra công tác khảo cổ tại di tích quốc gia chùa Nậm Dầu, thăm Bảo tàng tỉnh Hà Giang. Sáng 11.4, Bộ trưởng tiếp tục đến thăm Làng Văn hóa - du lịch cộng đồng của người Tày ở thôn Tha, xã Phương Thiện, TP. Hà Giang trước khi làm việc trực tiếp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Theo Báo Văn hóa